MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá bauxite sẽ còn tăng do thiếu hụt trong 3 năm tới

29-11-2014 - 07:45 AM |

Bauxite, một trong những loại quặng phổ biến nhất ở lớp vỏ trái đất, đang trở nên ngày càng khan hiếm.

Đã 10 tháng trôi qua kể từ khi Indonesia cấm xuất khẩu bauxite – nguyên liệu chính trong sản xuất nhôm – nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp khai khoáng của mình, thị trường thế giới vẫn đang chật vật tìm nguồn thay thế. 

Giá bauxite đã tăng khoảng 15% và giá nhôm tăng mạnh nhất kể từ 2009, do chi phí nhập khẩu tăng, kể cả với khách hàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Thị trường thế giới từ chỗ dư thừa trong năm ngoái đã trở nên thiếu hụt trong năm 2014, theo nhận định của Citigroup Inc. Tình trạng này dự báo sẽ kéo dài trong 3 năm liền. 

Nhôm được sử dụng trong nhiều ứng dụng, từ vỏ hộp đến máy bay. 

Indonesia, nước luôn giữ vị trí lớn thứ 3 thế giới về xuất khẩu quặng thô, bao gồm cả nickel và đồng, đã hy sinh lợi ích trước mắt để thúc đẩy sự phát triển đầu tư trong xuất khẩu hàng hóa giá trị gia tăng, từ đó tăng lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên của mình. Nhiều mỏ bauxite đã phải đóng cửa, khoảng 40.000 công nhân bị thất nghiệp vì lý do này. 

Hiện Indonesia đang thực hiện 6 dự án tinh luyện bauxite thành alumina, bao gồm một liên doanh cùng tập đoàn China Hongqiao Group Ltd.  trị giá 1,2 tỷ USD ở bờ biển Borneo. Một số trong các dự án đó sẽ chưa thể sản xuất ra nhôm trước năm 2017, buộc nhiều khách hàng mua nhôm phải tăng cường sử dụng nguyên liệu dự trữ. 

“Chúng tôi chắc chắn giá bauxite sẽ còn tăng trong năm 2015”, nhà phân tích Ivan Szpakowski thuộc tập đoàn Citigroup ở Hongkong cho biết hôm 11/11. “Yếu tố chính tác động đến thị trường bauxite và nhôm là lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia. Cần phải mất một thời gian để tìm được nguồn cung cấp thay thế cho Indonesia”. 

Triển vọng thị trường bauxite

Goldman Sachs Group Inc. hôm 5/11 dự báo giá bauxite giao tới tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn nhất khu vực – có thể tăng lên 80 USD/tấn vào cuối năm 2015 so với 60 USD hiện nay. Citigroup cho biết giá trước khi Indonesia cấm xuất khẩu là khoảng 52 USD/tấn.

Goldman Sachs cho rằng giá alumina có thể tăng 12% trong năm tới, còn Morgan Stanley thậm chí đưa mặt hàng này vào danh mục ưu tiên đầu tư hàng đầu.  

Sản lượng bauxite thế giới dự báo sẽ thấp hơn nhu cầu khoảng 6,3 triệu tấn trong năm nay, trái với thặng dư 49,3 triệu tấn năm 2013, theo nhận định của Citigroup. Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt 10 triệu  – 15 triệu tấn trong năm tới, theo dự đoán của Alumina Ltd. 

Công ty có trụ sở ở Melbourne này và hãng sản xuất nhôm Alcoa Inc. (có trụ sở ở New York) có chung một liên doanh là hãng sản xuất alumina lớn nhất thế giới Alcoa World Alumina & Chemicals.

Indonesia có 17.000 hòn đảo, trong đó trữ lượng bauxite chủ yếu ở đảo Borneo. Trước khi có lệnh cấm, quốc gia đóng góp 10-15% vào tổng cung bauxite thế giới, trong đó một nửa được tiêu thụ ở Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. 

Triển vọng giá nhôm 

Do giá bauxit tăng, Goldman dự báo giá nhôm có thể sẽ tăng 15% trong năm nay lên 2.061,75 USD/tấn trên Sàn Kim loại London (LME), trở thành mặt hàng tăng giá mạnh thứ 2 chỉ sau nickel. Goldman dự báo trong 12 tháng tới, giá nhôm sẽ lê mức 2.100 USD/tấn. 

Theo kết quả khảo sát của Mỹ, nhôm là nguyên tố kim loại dồi dào nhất ở lớp vỏ trái đất chỉ sau silicon. Cứ khoảng 4 đến 7 tấn bauxite sau khi tinh luyện sẽ cho 1 tấn nhôm. Khoảng 1/3 chi phí sản xuất nhôm đến từ alumina, trong khi bauxite góp gần 10%, theo nhà phân tích Paul Gait thuộc công ty Sanford C. Bernstein Ltd. ở London. 

Bởi nhiều quốc gia khác bắt đầu tăng cường sản xuất bauxite, nhiều người cho rằng ảnh hưởng của việc Indonesia giảm cung cấp quặng ra thế giới đối với giá cả sẽ giảm dần đi trong những năm tới. 

Xuất khẩu bauxite từ Australia – nước trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua – sẽ tăng 11% lên 16,8 triệu tấn vào năm 2014-15 so với năm trước đó, theo Cơ quan Kinh tế Năng lượng và Tài nguyên – trụ sở ở Canberra – dự báo hồi tháng 9. 

Vân Chi

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên