Giới phân tích cho rằng, nếu Iran thực hiện đúng như những gì họ đang đe dọa: khóa cửa
vận tải biển qua eo biển Hormuz – con đường hàng hải huyết mạch 40% lượng dầu thô
bán ra thế giới – thì hậu quả sẽ ngay lập tức xuất hiện: giá dầu có thể tăng vọt
thêm 50% hoặc hơn nữa chỉ trong vòng vài ngày.
Việc Iran khóa cửa eo biển này bằng thủy lôi, không kích, hoặc
hải quân nằm hoàn toàn trong năng lực quân sự hiện giờ của nước này. Tuy nhiên,
bất chấp việc căng thẳng gia tăng với các nước phương Tây (bao gồm dự luật cấm
nhập khẩu dầu Iran vào Liên Minh Châu Âu như thông báo hôm thứ tư 04.01), các
chuyên gia chính trị khu vực Trung Đông cho rằng Iran có ít khả năng thực hiện
hành động khiêu khích này.
Các quan chức Mỹ cho biết Hạm Đội 5, hiện đang neo tại
Bahrain, trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để bảo việc đường vận chuyển dầu,
và trong trường hợp cần thiết, có phản ứng quân sự chống lại Iran.
Bản thân nền kinh tế bấp bênh của Iran cũng phụ thuộc không
ít vào việc xuất khẩu ít nhất 2 triệu thùng dầu/ngày qua eo biển này, theo các
chuyên gia thuộc Bộ Năng Lượng (Mỹ). Eo Hormuz là con đường hàng hải duy nhất từ
vịnh Ba Tư ra thế giới, và cũng là “điểm chặn quan trọng nhất của dòng chảy dầu”.
Việc khóa cửa eo biển này cũng trừng phạt Trung Quốc, khách hàng dầu mỏ quan trọng
nhất của Iran và cả khu vực Vịnh Ba Tư nói chung. Trung Quốc đã đầu tư rất lớn
vào các mỏ dầu của Iran và phản đối các nỗ lực cấm vận của phương Tây vì các
chương trình hạt nhân của Iran.
Bất chấp các rào cản đối với việc công khai tuyên chiến, các
chuyên gia dầu khí và ngoại giao cho rằng một tính toán sai lầm tại thời điểm
này có thể gây ra phản ứng thái quá cho một trong các bên.
“Tôi e là chúng ta tiến dần về một cuộc khủng hoảng mà không
ai mong muốn” Helima Crof, chuyên gia cấp cao về địa chính trị tại Barclay
Capital nói. “Rủi ro là rất lớn khi các bên tiếp tục leo thang và mạo hiểm nhằm đạt
được một thỏa thuận có lợi”.
Các quan chức Iran trong những tuần gần đây liên tiếp tuyên bố
họ muốn khóa cửa eo biển này (chỉ rộng 21 dặm tại điểm hẹp nhất) nếu phía Hoa
Kì và Châu Âu áp đặt một lệnh cấm vận đối với Iran nhằm nỗ lực ngăn chặn việc
phát triển vũ khí hạt nhân. Và những tuyên bố đó không ngăn được Tổng thống
Obama kí quyết định cấm vận đối với Ngân hàng Trung ương Iran nhằm làm việc
thanh toán tiền bán dầu khó khăn hơn. Đồng thời, Hoa Kì cũng không phản đối việc
Liên Minh Châu Âu cân nhắc việc cấm nhập khẩu dầu.
Eo biển Hormuz
Các chuyên gia năng lượng cho rằng ngay cả việc khóa một phần
eo Hormuz cũng có thể làm gia dầu tăng thêm 50 USD/thùng hoặc hơn trong vòng
vài ngày; và việc này cũng đẩy giá xăng vượt qua mức 4 USD/gallon. Lawrence
J.Goldstein, giám đốc của tổ chức chuyên nghiên cứu các chính sách năng lượng
(Energy Policy Research Foundation), cho rằng: “Chúng ta có thể chứng kiến các
phản ứng quốc tế rất mạnh, mạnh đến mức phi lý”.
Chỉ một lời đe dọa cho việc khóa cửa eo biển đã giúp giá dầu
ở mức hơn 100 USD/thùng trong vài tuần gần đây, bất chấp việc Libya cung cấp dầu
trở lại, làm tăng các lo lắng của một cuộc suy thoái kinh tế ở Châu Âu, và làm
giảm đi nhu cầu về xăng tại Mỹ. Giá dầu cũng tăng nhẹ trong ngày thứ Tư 04.01
khi các căng thẳng chính trị tăng cao.
Quan chức Hoa Kì đã cảnh bảo Iran về việc vi phạm luật pháp
quốc tế trong vấn đề bảo hộ giao thương hàng hải trong vùng biển quốc tế, và
cho biết thêm lực lượng hải quân Hoa Kì sẽ bảo đảm tự do giao thông đường biển.
“Nếu phía Iran dùng lực lượng hải quân và các tên lửa chống
tàu để tấn công lực lượng liên quân, họ sẽ thấy năng lực hải quân của mình bị
phá hủy nhanh chóng” David L. Goldwyn, cựu điều phối các vấn đề năng lượng quốc
tế của Bộ Ngoại Giao (Mỹ) cho biết.
Hơn 85% lượng dầu và khí thiên nhiên qua eo Hormuz được chuyển
đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và các quốc gia châu Á khác. Việc
khóa eo biển sẽ gây đột biến lên giá dầu thế giới. Mặt khác, Iraq, Kuwait,
Saudi Arabia, Qatar, và UAE, toàn bộ đều thông qua eo biển này để xuất khẩu dầu
và khí thiên nhiên; nên một khi eo biển bị khóa, tình hình chính trị tại một số
quốc gia vốn đã bất ổn sẽ càng trầm trọng thêm.
Các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng tại eo Hormuz
có thể mang Trung Quốc và Hoa Kì vào chung một liên minh nhằm khôi phục vận
chuyển dầu, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ dựa vào kênh ngoại giao
riêng hơn là vũ lực.
Châu Âu và Hoa Kì sẽ cảm thấy ít áp lực nhất vì hiện nay họ đã có dự trữ dầu chiến lược và có
thể tiếp tục sử dụng dầu từ Vịnh Ba Tư thông qua đường ống dẫn dầu xuyên biển Đỏ.
Saudi Arabia cũng có đường ống dẫn có thể vận tải khoản 5 triệu thùng/ngày ra
khỏi khu vực, tương tự với các đường ống của Iraq và UAE có cùng công suất.
Tuy vậy, giá vận tải chắc chắn sẽ cao hơn khi eo biển bị
khóa, và hàng triệu thùng dầu xuất khẩu có thể bị kẹt lại, làm cho giá năng lượng
tăng cao trên thị trường thế giới.
“Việc khóa eo biển Hormuz giống như một hành động tuyên chiến
với thế giới”; “Người ta không thể đùa giỡn với kinh tế thế giới và giả định rằng
sẽ không có ai phản ứng”, Sadad Ibrahim Al-Husseini, cựu trưởng bộ phận dò tìm
và phát triển của Saudi Aramco cho biết.
Phía Iran đã từng đóng cửa eo biển một lần trước đây. Trong
thập niên 1980, Iran tấn công tàu chở dầu của Kuwait, lúc đó đang chở dầu cho
Iraq. Nội các Reagan sau đó quyết định thay cờ của tàu Kuwait bằng cờ Mỹ, đồng
thời cho tàu chiến Mỹ hộ tống các tàu chở dầu này. Iran nhượng bộ một phần, tuy
nhiên sau đó lại thả thủy lôi xuống eo biển.
Năm 1988, một tàu chiến Mỹ chạm trúng thủy lôi của Iran và
suýt chìm. Các tàu chiến Mỹ khác phản công bằng việc phá hủy các dàn khoan dầu
của Iran trong khu vực. Tấn công và phản công tiếp diễn vài tháng sau đó, trong
đó có việc một tên lửa của tàu chiến Mỹ bắn nhầm một máy bay chở thường dân
Iran, giết chết 290 hành khách trên đó.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng một cuộc khủng hoảng xung
quanh eo Hormuz đang từ từ mở màn, với việc Iran hăm dọa để làm tăng giá dầu và
chi phí vận chuyển; và phương Tây đáp trả bằng việc thắt chặt các cấm vận. Hiện
nay, các chuyên gia cho biết, các công ty bảo hiểm chưa tăng giá bảo hiểm cho
các tàu chở dầu, tuy nhiên các công ty vận tải biển đang sẵn sàng trả thêm cho
các thuyền viên làm nhiệm vụ qua khu vực nguy hiểm.
Michael A. Lewis, chuyên gia năng lượng ở Hội đồng Ngoại giao
(Council on Foreign Relations), tỏ ra lạc quan hơn: “Theo tôi thì sẽ có rất nhiều
đe dọa, nhưng không có gì chắc chắn trong trường hợp này”.
Minh Khoa