MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá gas đang bị lũng đoạn

06-02-2012 - 09:17 AM |

Theo thống kê, trong năm 2011 đã có rất nhiều đợt tăng giá gas và chỉ trong những tháng đầu năm 2012 đã có tới 3 lần tăng giá, đưa giá gas lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Những ngày đầu năm Nhâm Thìn, một lần nữa thị trường gas lại gây sốc đối với khách hàng khi tăng 3.500đ/kg và tăng đến 42.000đ/bình 12kg khiến giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đăng ký giá, nhưng không bán giá đăng ký

Theo thống kê, trong năm 2011 đã có rất nhiều đợt tăng giá gas và chỉ trong những tháng đầu năm 2012 đã có tới 3 lần tăng giá, đưa giá gas lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo một nhân viên bán hàng của Petrolimex thì quy trình Cty nhập hàng về sang chiết vào bình rồi giao các nhà phân phối thành viên và các đại lý. Giá thành của gas gồm giá nhập khẩu (NK), thuế NK cộng với cước vận tải, chi phí rồi ra giá bán lẻ.

Theo quy định hiện hành thì gas là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Theo đó DN chỉ cần đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước là sở tài chính địa phương. Thế nhưng trên thực tế, việc đăng ký giá của các DN đầu mối nhiều khi chỉ là hình thức, thậm chí nhiều DN chỉ đăng ký cho có hoặc chậm đăng ký, rồi hợp thức hóa bằng cách “tiềm trảm hậu tấu”, nên giá bán gas đến người tiêu đùng (NTD) bị nâng lên vô tội vạ.

Một quan chức Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cục thường xuyên có số liệu đối chiếu giá gas NK, từ đó làm căn cứ để kiểm soát giá đăng ký của các DN, vì các yếu tố cấu thành giá đều đã rõ. Còn trách nhiệm quản lý DN bán có đúng giá đăng ký hay không là của cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương(?). Khi trao đổi với đại diện Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đại diện này cho hay lâu nay, gas là mặt hàng đã có sự cạnh tranh khốc liệt nên Nhà nước không quản lý giá theo kiểu xăng dầu. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, không giống như xăng dầu, mỗi hãng phân phối đều có thương hiệu gas riêng, nên 1 đại lý có thể được phép làm đại lý tối đa cho 3 hãng gas khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng tự kiểm soát được giá bán đến NTD.

Có dấu hiệu liên kết tăng giá

Phó TGĐ một Cty CP gas có thị phần lớn cho biết, trên thực tế các hãng chỉ có thể đảm bảo quản lý được giá gas trong hệ thống phân phối độc quyền là bán đúng giá niêm yết đến tay NTD. Còn với các đại lý bán lẻ không trong hệ thống (lấy hàng của các Cty đầu mối rồi phân phối ra thị trường) thì giá bán là giá bán buôn, từ đây các đại lý bán đến NTD giá nào thì DN... không biết và DN đầu mối cũng đã hết trách nhiệm.

Tuy nhiên, lại có một thực tế khác là thời gian qua, do cạnh tranh để giành thị phần, nhiều DN đầu mối đã không ngần ngại chiết khấu cho đại lý bán lẻ quá cao, đang bị xem là một nguyên nhân đẩy giá gas lên cao. Hiện mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý được hưởng cũng từ 40.000 - 50.000đ/bình 12kg, nhưng nếu có DN nào không đáp ứng được mức chiết khấu này thì lập tức sẽ bị các đại lý gây sức ép để chuyển sang làm đại lý cho DN khác, dẫn đến mất thị phần.

Trả lời câu hỏi liệu có sự “bắt tay” nhau tăng giá gas của các đại lý, Chủ tịch Hiệp hội Gas VN Nguyễn Sĩ Thắng cho rằng: Các DN đầu mối được phép định giá, đăng ký giá và chịu trách nhiệm về mức giá đó. Hiệp hội có trách nhiệm giám sát. Khi việc giám sát kiểm tra phát hiện những hợp lý hay không hợp lý sẽ yêu cầu hội viên xem lại. Về việc có mức giá chênh lệch giữa các DN đầu mối và các đại lý bán lẻ, theo ông, các đại lý bán cao hơn giá DN đầu mối thì phải tự chịu trách nhiệm và đã có quy định về xử phạt. Trong hợp đồng đại lý cũng quy định: Đại lý nếu không chấp hành quy định của DN đầu mối thì có thể bị đình chỉ hoặc rút giấy phép.

Quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra DN kê khai và bán theo giá. Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Gas là một trong những mặt hàng bình ổn, phải thực hiện chế độ đăng ký giá qua sở tài chính địa phương. Sở tài chính sẽ tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh phải niêm yết giá bán theo hợp đồng đại lý. Do vậy, bên cạnh việc giám sát chặt chẽ việc kê khai và NK của DN thì trách nhiệm của quản lý thị trường là phải thường xuyên kiểm tra việc DN kê khai giá và bán theo giá kê khai để bảo vệ quyền lợi NTD. Đ.T

Theo Lao động

hangnt

Trở lên trên