MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá gas tăng “phi mã”: Đại lý vô tư hưởng lãi "khủng"?

05-12-2013 - 13:15 PM |

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Bộ Công thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá"

Từ ngày 1/12, giá gas trong nước tăng từ 70 - 80 nghìn đồng/bình 12kg. Các công ty kinh doanh gas lấy lý do giá thế giới tăng, nhưng thực tế lượng gas sản xuất trong nước mới chiếm thị phần áp đảo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường gas chưa thật sự có cạnh tranh theo hướng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Dân sốc vì cú tăng giá “phi mã”

Theo công bố của Petrolimex Sài Gòn, từ ngày 1/12/2013, giá gas tăng 79 nghìn đồng và quy định giá bán lẻ đến người tiêu dùng 493 nghìn đồng/bình 12kg. Tương tự, công ty Gas Pacific Petro và công ty Saigon Petro tăng 78 nghìn đồng/bình 12kg.

Ngay sau khi thông tin tăng giá này được đăng tải, hàng loạt ý kiến của độc giả phản hồi thể hiện sự bất bình và không sòng phẳng của các công ty sản xuất gas đối với người tiêu dùng. Chị Đỗ Thị Nga (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Cái gì cũng tăng chóng mặt từ giá xăng, điện, nước, cước vận tải và bây giờ là giá gas. Tôi thắc mắc, phải chăng khi giá gas thấp, các công ty kinh doanh nhập và tồn kho thật nhiều chờ những dịp lễ tết, cuối năm đồng loạt tăng giá? Dù mới có thông báo đầu năm tới tăng lương cho người lao động mà các mặt hàng tiêu dùng đã “té nước theo mưa” rồi, giảm thì nhỏ giọt, tăng thì gấp mấy lần. Bức xúc lắm nhưng người dân chúng tôi chẳng làm gì được”.

Không chỉ riêng chị Nga mà rất nhiều người dân cùng chung nỗi bức xúc trước sự tăng giá “phi mã” của mặt hàng gas. Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng các doanh nghiệp bắt tay tăng giá? Trước tình trạng giá gas tăng mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, kịch bản tăng giá của các doanh nghiệp là những cú “sốc” với người sản xuất, tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Bộ Công thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá. Việc doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về Việt Nam mà đã tăng giá bán là không minh bạch với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý Nhà nước đáng lẽ phải vào cuộc về vấn đề này. 

Giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới cũng là hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Trong khi gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường thì lại phụ thuộc vào thế giới”.

Cũng theo TS.Doanh: “Giá gas tăng một lần tới 78 nghìn đồng (tăng khoảng 17% so với mức trước đó) là quá cao. Nhà nước đã quy định xăng dầu tăng là phải có lộ trình, còn gas thì chưa đưa vào diện bắt buộc như vậy nên các đại lý bán chỉ cần nghe tin giá thế giới tăng là “té nước theo mưa”. Theo tôi, mặt hàng gas cũng cần có quy định tăng theo lộ trình, tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng”.

Trước phản ứng của người tiêu dùng, Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, đơn vị này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp hội viên rà soát lại toàn bộ chi phí trên tinh thần tiết giảm tối đa để đưa ra mức giá hợp lý, đảm bảo lợi ích của mình và quyền lợi người tiêu dùng.

Đại lý vẫn vô tư hưởng lãi khủng!?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đúng là có xu hướng giá gas thế giới tăng. Tuy nhiên, vấn đề tăng giá gas lần này có hai điểm không hợp lý là các đại lý trong nước tranh thủ tăng sớm khi mà lượng gas còn trong kho nhập khẩu theo giá cũ, lượng gas sản xuất trong nước ra sao chưa được tính toán công khai. Xăng dầu còn mất khoảng thời gian mới tăng giá, còn ở đây các đại lý vừa nghe đồn giá thế giới  tăng thì đã tăng ngay. Tăng giá gas cũ theo giá gas mới giúp các đại lý “ăn dày”. 

Thứ 2 là khi giá thế giới tăng, các đơn vị kinh doanh chưa điều chỉnh hoa hồng, lượng hoa hồng chiết khấu ra sao cho các đại lý bán lẻ cũng không được công khai. Trong bối cảnh thị trường như vậy nhưng dường như họ không có ý định bớt đi lợi nhuận của mình mà đổ hết cho người tiêu dùng. Để xảy ra việc này là lỗi của quản lý Nhà nước và các đơn vị đầu mối cung cấp.

Theo quan điểm của TS. Phong, Nhà nước nên cho mặt hàng gas cạnh tranh tự do để dứt ra khỏi sự kiểm soát và cạnh tranh tự do lành mạnh tự điều chỉnh theo giá thị trường. Còn nếu kiểm soát thì phải giống như mặt hàng xăng dầu, ngặt nghèo một chút, có quy định cụ thể, kiểm soát cả đến đại lý hoa hồng lãi bao nhiêu để điều chỉnh xuống khi mức tăng vọt lên, tránh việc đổ dồn cho người tiêu dùng như hiện nay, còn các đơn vị kinh doanh, đại lý vẫn vô tư hưởng lãi “khủng”.

“Tôi được biết Hiệp hội Gas thông báo là có công văn gửi lên bộ Tài chính xin giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0%, đó lại là một động thái “đá bóng” trách nhiệm. Họ chỉ nghĩ đến các phương án “đá” hết về Nhà nước và người tiêu dùng mà không nghĩ đến việc đầu tiên là phải điều chỉnh chi phí của mình. Trong bối cảnh Nhà nước hiện nay, ngân sách đang thất thu mà thi nhau xin giảm thuế không phải là sáng kiến hay. Tôi chưa thấy các đơn vị này có chính sách gì mà chỉ chăm chăm “đá bóng” trách nhiệm”, TS. Phong nói.

Theo một chuyên gia kinh tế, trong cơ chế như hiện nay, một là Nhà nước phải chịu sức ép điều chỉnh thuế, hai là người tiêu dùng phải cắn răng chịu mua nếu không thay thế sử dụng nhiên liệu khác. Người tiêu dùng khôn ngoan là nên dùng quyền của mình nhiều hơn, có thể từ chối mua tạo ra sức ép của thị trường bằng cách một là thay thế, hai là tiết kiệm. Nhu cầu giảm, giá đắt không bán được thì họ phải điều chỉnh giá hợp lý. 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, bộ Tài chính và các sở tài chính phải vào cuộc để thanh, kiểm tra chi phí ở khâu phân phối. Đặc biệt là mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Nếu phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh, gây phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý ngay.

Còn độc quyền, còn “sốc”

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Kinh doanh gas là phải có điều kiện chứ không phải ai cũng có khả năng phân phối kinh doanh mặt hàng này, một bộ phận kinh doanh đã giữ độc quyền nhưng độc quyền theo kiểu “mua đứt bán đoạn” nên các đại lý cứ tăng giá chứ không bán theo giá đầu mối. Chính điều đó vừa tạo ra trường hợp vừa độc quyền vừa được định giá độc quyền, khiến giá cứ tăng và người dân không biết kêu thế nào. Nếu còn độc quyền kiểu này thì người tiêu dùng còn “sốc””.

Theo Thơm Lan

khanhnt

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên