MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai tử phải có lộ trình

14-10-2013 - 15:32 PM |

Với những cây xăng không đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, không có cách khắc phục, cải tạo thì phải di dời, không cho hoạt động. Tuy nhiên, việc này cũng phải cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng.

 “Đồng ý với việc di dời các cây xăng ra ngoài khu vực nội thành, nhưng phải có lộ trình và tính toán, bởi sẽ gây khó cho người dân vì hiện nay các cây xăng trong khu vực nội thành Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân”. Ông Trần Đắc Xuân - Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 1 đã khẳng định như vậy trước đề xuất của Sở Công thương Hà Nội về “đóng cửa” một loạt cây xăng tại Hà Nội.

Ông có đồng ý với đề xuất của Sở Công thương Hà Nội về việc di dời, chấm dứt hoạt động của 12 cây xăng trên địa bàn, chủ yếu trong khu vực nội thành?

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Sở Công thương. Bởi hiện nay, có những cây xăng nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông, gần khu dân cư, hoặc thậm chí chưa đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định.  Với những cây xăng không đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, không có cách khắc phục, cải tạo thì phải di dời, không cho hoạt động. Tuy nhiên, việc này cũng phải cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng. 

Nếu đã mất an toàn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì còn phải tính toán gì nữa, thưa ông?

Sở dĩ phải tính toán vì hiện mật độ cửa hàng xăng dầu trong nội thành vốn đã rất thưa. Có lẽ chẳng đâu như Việt Nam khi mua xăng phải xếp hàng. Chưa kể, thời gian qua, khi thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, cây xăng thường phải chịu thiệt, nhường cho các dự án khác, chứ không có chuyện dự án nhường cây xăng. 

Một năm qua, các dự án mở đường, làm nhà cao tầng đã “lấy mất” 18 cây xăng. Nếu thực hiện việc dừng hoạt động một số cây xăng, chủ yếu trong khu vực các quận nội thành thì một số khu vực sẽ quá tải, ví dụ như cây xăng ở địa chỉ số 9 Trần Hưng Đạo. 

Hoặc như khu vực quận Hoàn Kiếm hiện có 4 cây xăng,  tất cả đều quá tải, nếu thực hiện như đề xuất của Sở Công thương, quận này sẽ mất đi thêm 1 cây xăng thì mức độ quá tải sẽ càng lớn. Có khi chỉ đến 15h chiều hàng ngày là hết xăng. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Do đó, việc “khai tử” cần cân nhắc, có lộ trình. 

Vậy theo ông thì nên làm thế nào?

Hiện nay, 70% nhu cầu sử dụng xăng dầu là tại khu vực nội thành, trong khi các cửa hàng xăng dầu trong khu vực này chỉ chiếm 1/5 tổng số cây xăng trên toàn địa bàn thành phố. Người dân phải xếp hàng, chen chúc nhau mới mua được. Trong khi đó, ở khu vực các huyện ngoại thành, có những nơi, cây xăng dày đặc nhưng có người mua đâu. 

Theo tôi, cần rà soát lại theo hướng tạo điều kiện cho những cây xăng khắc phục vi phạm để hoạt động tiếp, sau đó sẽ “khai tử” dần. Bởi nếu dừng ngay, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong vấn đề giải quyết vốn đầu tư, hợp đồng mua hàng, việc làm của người lao động... Trong khi, người dân có nhu cầu phải đi xa hơn, hoặc doanh nghiệp sản xuất phải mua xăng tích trữ giống như thời bao cấp. Đó là chưa kể đến tình huống sẽ “mọc” lên nhiều cây xăng bán thủ công thì càng nguy hiểm hơn. 

Nhưng biết đâu, đề xuất của Sở Công thương lần này sẽ tạo điều kiện để quy hoạch mạng lưới cây xăng hợp lý hơn, an toàn hơn?

Để xây dựng một cây xăng trung bình phải mất 4 - 5 năm. Thậm chí, kể cả có trong quy hoạch thì quy hoạch đó cũng rất chung chung hoặc chỉ mang tính định hướng về khu vực chứ không cụ thể. Có khi tìm đến nơi thì mới biết vị trí đó lại thuộc đất dự án khác, chứ làm gì có đất “sạch” để xây dựng cây xăng. 

Ngoài ra cũng cần tính đến tương lai, người dùng xe ô tô sẽ nhiều lên, những cửa hàng nhỏ, không đảm bảo hoạt động, ATGT... thì phải di chuyển, dừng hoạt động hoặc chỉ cung cấp xăng cho người đi xe máy và điều này cũng phải tính toán trong quy hoạch. 

Cảm ơn ông!

Theo Thành Quang

khanhnt

Báo giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên