MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi thì giữ giá, chớm lỗ là tăng ngay

23-04-2014 - 17:19 PM |

Khi có lãi từ 200-500 đồng/lít thì giá xăng dầu liên tục được giữ nguyên, nhưng khi chớm lỗ thì giá xăng dầu đã lập tức tăng thêm...

Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế ngày 22.4 trước việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.

Kể từ 12 giờ trưa qua, giá xăng RON 92 trong hệ thống phân phối của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tăng 210 đồng/lít, lên mức giá mới là 24.900 đồng/lít. Dầu diesel trong hệ thống Petrolimex tại vùng 1 cũng đồng loạt tăng 170 đồng/lít, dầu diesel 0,05S có giá mới là 22.680 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 130 đồng/lít và có giá mới là 22.480 đồng/lít. 

Trong đợt điều chỉnh này, dầu mazut là mặt hàng duy nhất giảm giá (giảm 70 đồng/lít), mặt hàng dầu mazut 3,0S sẽ có giá 18.590 đồng/lít. Cũng theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, tất cả các mặt hàng xăng, dầu sẽ chính thức ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 12 giờ ngày 22.4. Đây là lần điều chỉnh giá xăng dầu thứ 2 trong tháng 4. Ngày 11.4 vừa qua, giá dầu đã giảm nhẹ từ 90 - 130 đồng/lít (kg), trong khi xăng giữ nguyên giá. Vào thời điểm ngày 11.4, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đang lãi từ 200-500 đồng/lít xăng.

Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã thay đổi tới 7 lần, trong đó chỉ có giá dầu là vừa tăng vừa giảm còn giá xăng liên tục tăng với tổng cộng 3 lần cùng mức điều chỉnh trung bình gần 200 đồng/lít.

Ngay sau động thái tăng giá xăng dầu hôm qua, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận rằng, việc Bộ Tài chính thông báo mức giá cơ sở và cho rằng doanh nghiệp (DN) đang lỗ nên phải tăng giá xăng chỉ là lý do cho đủ, thực tế các DN xăng dầu từ lâu luôn lãi do cơ chế. “DN xăng dầu được Nhà nước định sẵn lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, nên khi giá xăng thế giới giảm, DN lại càng có lợi mà giá thế giới tăng thì họ lại có lý do đó để tăng giá bán trong nước” - ông Doanh nói. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, xăng tăng giá mỗi lần chỉ 200 đồng/lít, về lý có thể không đáng kể và chưa tác động lớn đến giá cả đầu vào trên thực tế. Tuy nhiên, sau những lần điều chỉnh giá này, DN luôn lãi nhiều hơn tính toán lý thuyết. 

“Lợi nhuận định mức chỉ phù hợp khi DN hoạt động công ích và chịu lỗ để bình ổn giá. Nhưng khi DN đã được hỗ trợ từ công cụ bình ổn giá và liên tục có lãi, thì phải bỏ lợi nhuận định mức mới công bằng với người tiêu dùng. Hiện tại, DN vừa được hưởng lợi nhuận định mức, vừa được hỗ trợ từ Quỹ Bình ổn giá”-ông Thắng phân tích.
Theo Nguyễn Phương

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên