MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn không bất ngờ với giá điện, phải leo lên cột điện xem đồng hồ?

07-07-2014 - 18:06 PM |

Không chỉ lao động hàng ngày và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước để được đáp ứng nhu cầu dùng điện, mà để thực hiền quyền giám sát và bảo vệ túi tiền, người dân phải học thêm kỹ năng leo trèo!

Những ngày gần đây, chuyện hóa đơn tiền điện tháng 6 đột ngột tăng vọt là chủ đề được người dân quan tâm bàn luận sôi nổi và các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin. Dự đoán được áp lực về vấn đề này trong buổi họp báo thường kỳ tháng 6, cả lãnh đạo Bộ công thương và Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đều chuẩn bị sẵn tinh thần để trả lời.

EVN Hà Nội đưa ra con số chứng minh

Theo thông tin từ EVN Hà Nội, trước các ý kiến của khách hàng, công ty điện lực đã cử nhóm công tác xuống tận nơi kiểm tra hệ thống dây vào ra công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng và lập biên bản kết luận. Phần lớn khách hàng đồng ý với kết luận tại biên bản làm việc .

Thống kê trong tháng 6/2014, sản lượng điện tiêu thụ trung bình là 42,7 triệu KWh/ngày – tăng 34,7% so với sản lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng 4/2014 và tăng 23,4% so với trung bình ngày của tháng 5/2014.

Đặc biệt, vào ngày 23/05/2014, sản lượng điện tiêu thụ của Hà Nội lên tới 52,2 triệu KWh – tăng 64,7% so với sản lượng trung bình ngày của tháng 4/2014, tăng 50,9% so với sản lượng trung bình ngày của tháng 5/2014. Khi đó, nhiệt độ ngoài trời là 39 độ C.

Cũng theo thống kê của EVN, trong tháng 6/2014, tổng số khách hàng sinh hoạt của Hà Nội có sản lượng tăng 1,5 lần so với tháng 5/2014 là 686.336 (con số này của tháng 6/2013 là 598.284), chiếm 34% tổng số khách hàng sinh hoạt. Còn số khách hàng sinh hoạt có sản lượng tăng 2 lần so với tháng trước là 347.961 người- chiếm 17%. Tỷ trọng sản lượng điện tiêu thụ sinh hoạt hàng tháng của Hà Nội tháng 6 này tăng vọt lên 58,9% trong khi trung bình là 55%.

EVN khuyến cáo, khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch cao, các thiết bị điện sẽ luôn hoạt động với công suất tối đa, ít ngắt điện hơn trong suốt thời gian sử dụng. Đó là nguyên nhân của việc cùng sử dụng điều hòa nhiệt độ trong cùng một tháng nhưng các tháng trước sản lượng điện tiêu thụ ít hơn.

Bên cạnh đó, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, học sinh tiểu học và THCS bắt đầu nghỉ hè nên nhiều gia đình sử dụng điều hòa cả ngày lẫn đêm. Thời gian sử dụng điều hòa nhiệt độ tại gia đình tăng cao, có lúc tắng trên 10 giờ/ngày so với ngày thường.

Theo đó, từ 5/5 đến 25/6 là thời điểm bao gồm cả 3 đợt nắng nóng cao điểm và hóa đơn tiền điện thời gian này hội tụ các yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao.

Giám sát ghi số điện, leo lên cột điện xem công tơ?

Những lý giải của cơ quan điện lực về lượng tiêu thụ điện tăng vọt cũng hợp lý, nhưng băn khoăn nghi ngờ về việc ghi chỉ số công tơ điện của các công nhân điện lực vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Vừa qua đã xảy ra vụ việc 2 công nhân điện lực ghi sai số điện ở thôn Thống Nhất (Sóc Sơn - Hà Nội) khiến cho hóa đơn tiền điện của hơn 200 gia đình tai đây bỗng dưng ít hơn một cách bất thường so với số tiền điện phải nộp hàng tháng. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo EVN Hà Nội cho biết công ty đã làm việc với chính quyền tại đây, thực hiện hủy hóa đơn cũ và lập lại hóa đơn mới, trước mắt EVN Hà Nội đã đình chỉ 2 công nhân điện lực này do thiếu tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo này khẳng định, trong quá trình ghi chỉ số lập hóa đơn có thể có sai sót, nếu người dân phát hiện ra, công ty sẵn sàng hủy hóa đơn, làm lại cho khách hàng.

Bổ sung thêm cho câu trả lời của lãnh đạo EVN Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết “sự thật” đằng sau việc ghi sai số điện ở Sóc Sơn. Đó là do 2 công nhân này xuống thôn Thống Nhất (Sóc Sơn - Hà Nội) để ghi tiền điện nhưng gặp phải cảnh nhiều người dân không cho ghi, do sợ hãi nên chỉ “ghi ang áng”!?

Còn với các khiếu nại của người dân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói:

“ Chúng tôi đã kiểm tra các hộ khiếu nại giá điện thì có 72% là các hộ sử dụng trên 400 số, 28% dùng từ 100 - 400 số, không ai dùng dưới 100 số cả. Dưới 100 số là rất quan trọng, đó là những hộ dùng ít. Nếu có vấn đề gì gian dối, những người dùng dưới 100 số - thường là những người nghèo, tăng 1, 2 số đối với họ cũng rất quan trọng, mà họ không khiếu nại thì đủ hiểu là nói lên điều gì.”

Dù sao, qua việc này, thực tế các công nhân ghi chỉ số công tơ điện “thiếu trách nhiệm, ghi sai” cũng đã được chứng minh. Lãnh đạo EVN Hà Nội cho rằng trên hóa đơn tiền điện đã ghi đầy đủ chỉ số, khách hàng có thể căn cứ hóa đơn để kiểm soát và ngoài ra, khách hàng có thể tra cứu những số liệu này trên trang www.Evn.vn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tuy nhiên người dân vốn chỉ nộp tiền theo hóa đơn có thể biết được các chỉ số trên đó có được ghi đúng như hiển thị trên công tơ điện hay không, khi mà việc này vẫn thực hiện thủ công bởi các công nhân điện lực?

Theo lãnh đạo EVN Hà Nội, hiện công ty này có khoảng 1.200 công nhân ghi chỉ số. Nhưng Phó cục trưởng cục điều tiết điện lực cho rằng không thể đủ người để thực hiện việc giám sát ghi số điện mà chỉ có thể kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ điện của nhân viên điện lực theo từng đợt. Vì vậy, giải pháp mà phó cục trưởng đưa ra là người dân hãy cùng giám sát công tơ điện.

“Người dân hãy tham gia cùng giám sát chỉ số công tơ. Hàng tháng, vào ngày chốt hóa đơn, chúng ta phải xem chỉ số công tơ ngày đó là bao nhiêu, có thể là sai lệch vài số nhưng đó là cách để chúng ta giám sát ngành điện ghi chỉ số công tơ như thế nào.”

Một điều quan trọng là, các công tơ điện thường được mắc trên cao. Như vậy, người dân không chỉ lao động hàng ngày và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước để được đáp ứng nhu cầu dùng điện, mà để thực hiền quyền giám sát và bảo vệ túi tiền của mình, người dân còn phải học thêm kỹ năng leo trèo.

Câu hỏi các phóng viên đặt ra là có nên thành lập một cơ quan kiểm định độc lập ngoài ngành điện về việc ghi chỉ số công tơ điện hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

>>> Theo dõi đồng hồ điện hàng tháng sẽ không dính cảnh hóa đơn tăng đột ngột?

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên