MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu mỏ hồi hộp chờ phản ứng tiếp theo của Iran

23-01-2012 - 22:11 PM |

EU đã nhất trí sẽ cấm vận dầu mỏ Iran kể từ ngày 1/7. Tehran trong khi đó cho biết sẽ không để EU có thời gian tìm nguồn cung thay thế. Căng thẳng leo thang có thể đẩy giá dầu tăng thêm 40 USD/thùng.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/1 (mùng 1 Tết âm lịch) đã nhất trí áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô từ Iran. Động thái này được xem như ​​là một phần của biện pháp trừng phạt về ý định hạt nhân của Iran, nối tiếp Mỹ. Để thích ứng và có thời gian tìm nguồn cung thay thế, EU dự định sẽ bắt đầu thực hiện lệnh cấm vận đầy đủ kể từ ngày 1/7.

Trước khi có công bố trên, 6 tàu chiến từ Mỹ, Anh và Pháp đã đến eo biển Hormuz từ cuối tuần qua và thị trường giờ đây đang chờ đợi trong lo lắng phản ứng từ Tehran. Nhiều lần trong vòng 1 tháng qua, các quan chức và chính phủ đất nước Cộng hòa Hồi giáo này đã đe dọa đóng cửa con đường vận chuyển khoảng 20% tổng sản lượng dầu hàng ngày của thế giới.

Các chính phủ phương Tây, đứng đầu là Anh và Mỹ đã tuyên bố họ có thể giữ eo biển được thông suốt và sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo cho việc vận chuyển dầu diễn ra bình thường từ các nước trong vùng Vịnh Ba Tư ra thế giới. Châu Âu hiện nhập khoảng 450.000 thùng dầu/ngày từ Iran và các nhà nhập khẩu chính như Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha sẽ phải tìm nguồn cung thay thế. Theo một số nguồn tin, nguồn cung mới có thể sẽ đến từ Libya, nơi xuất khẩu dầu đang tăng lên đều đặn kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc vào tháng 10 năm ngoái.

Những nguy cơ của một cuộc xung đột giữa Iran và phương Tây từ tháng 12 năm ngoái đã đẩy giá dầu Brent tăng thêm 10 USD/tấn tính tới đầu tháng 1, ngay cả khi triển vọng nhu cầu dầu nửa đầu năm nay khá mong manh.

Ngay sau khi EU thông báo đã đạt được sự nhất trí về cấm vận Iran, một cựu Bộ trưởng Tình báo và hiện là ủy viên Hội đồng Chuyên gia có ảnh hưởng lớn tại Iran nói rằng, nước này sẽ lập tức ngừng xuất khẩu dầu thô sang EU để đẩy giá dầu lên cao và khiến châu Âu không có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Nếu Tehran áp dụng biện pháp mạnh tay này, các nước đang nỗ lực đối phó với khủng hoảng ở châu Âu sẽ bị giáng thêm một đòn mạnh vào kinh tế.

Giới quan sát thị trường tuy nhiên cho rằng, Tehran nên có những bước đi cẩn thận để giải quyết hài hòa vấn đề với các bên hiện nay. Bản thân nước này hơn ai hết đã ý thức được động thái chặn eo biển Hormuz của họ sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngành dầu mỏ và kinh tế toàn cầu.

Sau tin phát đi từ EU và phản ứng ban đầu của Iran, giá dầu chỉ tăng chưa đến 1 USD/thùng, với dầu Brent lên 111 USD/thùng và dầu WTI là sát 99 USD/thùng. Phản ứng giới hạn cho thấy thị trường đã lường trước được tình hình. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, giá dầu cũng sẵn sàng bùng nổ nếu căng thẳng leo thang. Trong tuần trước, các nhà đầu tư và các quỹ đã tăng vị thế mua dầu trên thị trường kỳ hạn và quyền chọn vì đầu cơ rằng nguy cơ căng thẳng địa chính trị sẽ khiến giá năng lượng đắt đỏ.

Trong những ngày và những tuần tới, thị trường dầu dự kiến sẽ diễn biến trong trạng thái hồi hộp và lo lắng chờ đợi động thái tiếp theo từ Iran. Trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự, giá dầu có thể tăng thêm 20 – 40 USD/thùng, tùy thuộc vào tác động lên eo biển Hormuz.

Giới phân tích cho rằng, nếu giá dầu lên như dự đoán, bóng ma suy thoái năm 2008 – 09 sẽ trở lại rõ nét hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giá cả có thể sụp đổ như từng xảy ra cách đây 4 năm.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên