MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gặp khó, ngành than tập trung phục vụ sản xuất điện

03-07-2015 - 11:49 AM |

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động giá than theo chiều hướng giảm.

Tiêu thụ than mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn do giá sụt giảm, lượng cung ứng trên thế giới dồi dào nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam vẫn xác định sản xuất và tiêu thụ than tiếp tục là mục tiêu chính và giữ ổn định sản lượng trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết Tập đoàn và các đơn vị trong ngành đang duy trì sản xuất ổn định, tích cực đầu tư để chuẩn bị cho nhu cầu than tăng cao trong thời gian tới, nhất là than phục vụ cho sản xuất điện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động giá than theo chiều hướng giảm.

Bên cạnh đó, cùng với các chính sách hạn chế nhập khẩu than chất lượng thấp của Trung Quốc, dự báo từ năm nay, Tập đoàn khó có khả năng tiếp tục xuất khẩu than vào thị trường này.

​Ngoài ra, việc thị trường than thế giới và khu vực vẫn trên đà suy thoái, cộng với nguồn cung cấp nội địa dồi dào của Trung Quốc, cũng là những yếu tố cản trở Tập đoàn quay lại thị trường này.

Bày tỏ về những khó khăn của ngành, ông Nguyễn Văn Biên cho rằng mấy năm nay, cầu về than trên thế giới đã chững lại. Cụ thể trong giai đoạn khoảng 10 năm trước, các ngành kinh tế các nước có bước phát triển; trong đó có ngành năng lượng tăng trưởng nhanh dẫn đến nhu cầu về than lớn nên giá than cao.

Từ năm 2000-2010, các nước trên thế giới đã tập trung xây dựng nhiều mỏ than hiện đại để khai thác than đáp ứng nhu cầu, do đó nguồn cung than trên thế giới tương đối dồi dào.

Ông Nguyễn Văn Biên cho hay trước đây, thế giới sản xuất khoảng 6 tỷ tấn than nhưng hiện nay đã là 7 tỷ tấn và riêng Trung Quốc đã sản xuất 3,7 tỷ tấn. Nguồn cung về than tăng, trong khi đó nguồn năng lượng thay thế than như dầu khí, gas, năng lượng sạch, nhất là năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời có xu hướng rẻ dần và phổ biến hơn. Điều này dẫn đến việc giá thành của mặt hàng này đang giảm nhanh và trên thế giới, nhiều nhà nhà sản xuất than đã có chủ trương dừng sản xuất để đợi khi có điều kiện tốt hơn sẽ sản xuất trở lại.

Tại Việt Nam, trước đây mỗi năm khai thác và tiêu thụ trên 50 triệu tấn than nhưng đến năm 2014, sản lượng đã giảm xuống còn 38 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, lượng than tiêu thụ tại thị trường trong nước thời điểm này đang có xu hướng tăng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất điện với sản lượng dự kiến năm 2016 sẽ là 38 triệu tấn, năm 2017 là 37,5 triệu tấn và đến năm 2020 là 40 triệu tấn. Đây sẽ là cơ hội cho ngành than mặc dù lượng than xuất khẩu giảm.

 

Nếu tình hình thuận lợi thì triển vọng tiêu thụ than sẽ có chuyển biến và Tập đoàn sẽ vẫn duy trì được việc tiêu thụ than ổn định, ông Biên khẳng định./.

 

Theo Đỗ Thảo NGuyên

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên