MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng suất lao động: 16 người Việt làm bằng 1 người Singapore

Với xuất phát điểm thấp và năng suất lao động (NSLĐ) không có nhiều cải thiện, thu nhập của người Việt Nam đang thua xa các nước trong khu vực khi NSLĐ của 16 người Việt mới bằng 1 người Singapore.

NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2015 tính theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu VND, tương đương 3.657 USD/lao động, tăng 6,42% so với năm 2014. Như vậy, bình quân giai đoạn 2005 - 2015 tăng 3,9%/năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) về NSLĐ chỉ ra từ năm 2005, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam có xu hướng đi xuống đến mức thấp nhất là 2,57% vào năm 2009.

Thế nhưng, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế năm 2012 thì tốc độ tăng NSLĐ đã có sự bứt phá mạnh mẽ và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 6%/năm vào năm 2015.

Như vậy, tính chung giai đoạn 1992-2014, NSLĐ tính theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4.64%/năm, là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc trong cùng kỳ (9.07%).

Đáng chú ý, nếu so với các nước Đông Á và Đông Nam Á, mặc dù tốc độ tăng NSLĐ hàng năm của người Việt khá ổn định nhưng không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Theo lý giải của Ciem, do xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp nên đến năm 2014 NSLĐ của Việt Nam đạt 9138.6 theo giá USD ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011, tương đương 40,36% của Trung Quốc, 6,41% của Singapore, 13,56% của Hàn Quốc, 55,58% của Philippines.

Điều này đồng nghĩa, nếu so sánh với nhiều nước thì có sự chênh lệch khá lớn về NSLĐ. Dẫn chứng, gần 16 người Việt mới làm bằng một người Singapore, 7 người Việt mới có NSLĐ bằng một người Hàn Quốc…

Thực tế này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra trong năm 2014 cho thấy, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) – thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Như vậy, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực đang ngày càng bị nới rộng, cho dù NSLĐ có tăng lên đáng kể và thu nhập bình quân đầu người đã có sự cải thiện.

Ciem cho rằng, việc NSLĐ của Việt Nam thấp và tăng chậm là do lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất lao động thấp; Phương tiện sản xuất chậm đổi mới; Chất lượng lao động thấp và Môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh.

Dẫn chứng là nếu phân theo khu vực kinh tế, thì lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong khu vực có NSLĐ thấp nhất là nông, lâm, thủy sản. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn rất cao (nông nghiệp vẫn chiếm 46,3% lao động trong toàn nền kinh tế năm 2014).

Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chưa rút được nhiều lao động từ nông nghiệp sang các khu vực này. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn cho việc tăng NSLĐ bằng cách chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang hai khu vực còn lại.

Tuy nhiên trong thời gian qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao là không nhiều. Theo nghiên cứu của Ciem, thời kỳ 2011-2014 chủ yếu do tăng NSLĐ nội bộ ngành, trong khi đóng góp của chuyển dịch cơ cấu khá thấp.

Chỉ số đóng góp thuần của chuyển dịch cơ cấu năm 2013 âm trong khi đóng góp của tăng trưởng nội bộ ngành lại khá cao. Điều này cho thấy đang có sự phân tách giữa những ngành có NSLĐ tăng và những ngành có NSLĐ không tăng.

Những ngành có NSLĐ tăng đã tăng nhanh NSLĐ nhưng hầu như không cải thiện tỷ trọng lao động trong ngành này. Sự gia tăng NSLĐ của các ngành này chỉ mới đi vào chiều sâu mà chưa mở rộng trên quy mô.

An Ngọc`

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên