MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NCB hướng đến một ngân hàng bán lẻ hiệu quả

08-07-2020 - 13:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Bước sang năm 2020, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã có sự thay đổi lớn, khi có thêm cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp từ Singapore-Công ty TNHH Tư Vấn KY (KY).

Ông Keisuke Kido – Giám đốc KY đã có những chia sẻ về góc nhìn của ông đối với thị trường tài chính Việt Nam nói chung và tình hình ở NCB nói riêng.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành Ngân hàng Việt Nam?

Ông Keisuke Kido: Chúng tôi có quan điểm tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng Việt Nam. Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành thị trường tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng, thúc đẩy các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhiều ngân hàng lớn trên thế giới phá sản.

Việc Chính phủ, NHNN giữ room sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng là 30%, và có thể tăng trong thời gian tới là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư như chúng tôi muốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng qua các năm khá ổn định, điểm đáng chú ý là mức tăng trưởng này không tập trung vào những tháng cuối cùng của năm, mà duy trì tăng trưởng ổn định trong cả năm. Bên cạnh đó, thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu chi trả cho cả nền kinh tế.

Ngoài ra, chúng tôi đang nhận thấy sự chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, mang lại một số tác động tích cực. Đầu tiên, lợi suất cao hơn từ các tài sản bán lẻ giúp giữ tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi duy trì ổn định. Thu nhập ngoài lãi có mức đóng góp nhiều hơn trong lợi nhuận các ngân hàng. Phần lớn diễn biến này đến từ việc triển khai các sản phẩm mới, như bancasurrance (ngân hàng kết hợp bảo hiểm). Cung cấp dịch vụ ngân hàng giao dịch cho các khách hàng là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng.

NCB hướng đến một ngân hàng bán lẻ hiệu quả - Ảnh 1.

Ông Keisuke Kido

Quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang có tiến triển tốt, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ. Chúng tôi nhận thấy nhiều ngân hàng đang gần hoàn thành việc xử lý các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tức ngân hàng trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC và nhận lại khoản nợ đã bán để tự xử lý.

Hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng ngày càng được chú trọng, khi phần lớn các ngân hàng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, điều hành.

Thế còn giá tiềm năng phát triển của NCB thì sao thưa ông?

Ông Keisuke Kido: Chúng tôi đánh giá NCB là ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng có quy mô trung bình, có những tiềm năng phát triển khả quan trong tương lai khi sở hữu mô hình kinh doanh hiệu quả linh hoạt hơn so với các ngân hàng có quy mô lớn trong phân khúc bán lẻ ở thị trường ngách – đây là thị trường có nhiều tiềm năng trong một nền kinh tế đang phát triển ở tốc độ cao như Việt Nam.

Xu hướng ngày nay cho thấy, ngân hàng nào nắm bắt cơ hội mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho một số lượng lớn dân cư, doanh nghiệp đang chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chính tại các nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Tại mô hình kinh doanh của mình, định hướng kinh doanh của NCB là mang tới các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ các sản phẩm dịch vụ tài chính may đo tiện ích phù hợp với nhu cầu đặc thù hoạt động, tiêu dùng thường ngày của nhóm khách hàng này.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 đến năm 2019, quy mô tổng tài sản của NCB đã có bước tăng trưởng đột phá, đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của NCB vượt trội hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, cùng với việc cung cấp các sản phẩm tài chính thông minh, cạnh tranh cả về lãi suất lẫn chất lượng phục vụ, dư nợ cho vay của NCB cũng tăng nhanh. Một số sản phẩm như tài trợ nhà thầu xây lắp, cho vay ô tô, cho vay mua nhà tại các dự án uy tín đã dần trở thành sản phẩm định vị thương hiệu NCB trên thị trường ngành. Cũng vì thế mà quy mô khách hàng tăng trưởng bình quân khá cao, khoảng 16,8%/năm. Theo tính toán của chúng tôi, cho vay phân khúc bán lẻ của Ngân hàng sẽ đạt mức tỷ lệ từ 50% - 55% trên tổng dư nợ cho vay trong thời gian tới.

NCB cũng đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển các loại hình dịch vụ mới, đa tiện ích và đã được xã hội chấp nhận, đặc biệt phát triển ngân hàng số đáp ứng thay đổi về thói quen tiêu dùng của tập khách hàng cá nhân trong thời đại công nghệ 4.0.

Một thế mạnh hỗ trợ khác cho chiến lược bán lẻ là NCB có mạng lưới phân bổ đều tại các địa bàn chiến lược trên toàn quốc với 24 chi nhánh, hơn 90 điểm giao dịch. Việc chuẩn bị áp dụng Basel II sẽ giúp NCB quản trị rủi ro tốt hơn trong giai đoạn tới.

Tôi cũng tin tưởng về sự phát triển của NCB trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ phát triển mạnh về quy mô, chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh và trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hiệu quả.

Là cổ đông mới, cũng là cổ đông có vốn nước ngoài đầu tiên tại NCB, trong thời gian tới, KY có những kế hoạch gì để Ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn?

Ông Keisuke Kido: Được biết, vài năm gần đây, NCB ưu tiên đẩy mạnh quá trình thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu và tạo cơ sở cho việc củng cố hoạt động, đồng thời tập trung tái cấu trúc bộ máy tổ chức để ngân hàng trở nên hiện đại và cạnh tranh hơn. Trở thành cổ đông của NCB, KY mong muốn và cam kết hỗ trợ NCB củng cố năng lực tài chính, tăng an toàn cho hoạt động và hai bên sẽ khai thác nhiều nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng… đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ tài chính tại Việt Nam và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên