MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nể nang với khó khăn của các ngành, địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nhận trách nhiệm trước Quốc hội

Thừa nhận thực tế giao vốn đầu tư hàng năm chậm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận một phần trách nhiệm là do chưa kiên quyết đối với các Bộ, ngành, địa phương.

Cuối giờ chiều nay (14/6), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vị tư lệnh ngành cuối cùng trong 4 Bộ trưởng, đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Các vấn đề được Bộ trưởng Dũng giải đáp bao gồm: giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... cũng như trách nhiệm của Bộ ngành trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Trong 3 phút trình bày trước khi các đại biểu chất vấn, Bộ trưởng thừa nhận dù Bộ KH&ĐT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cử tri.

Nguồn lực trong dân vẫn còn nhiều dư địa, dù có biện pháp huy động nhưng hiệu quả chưa cao. Đầu tư công vẫn còn dàn trải, phân bổ vốn chưa tập trung đòi hỏi phải giải quyết trong thời gian tới...

Sau phần trình bày ngắn của Bộ trưởng, đã có 50 đại biểu đăng ký chất vấn. Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu ra vấn đề tại sao hiệu quả đầu tư công, việc phân bổ vốn, giải ngân chậm, nguyên nhân ở đâu và trách nhiệm của Bộ là gì? Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) quan tâm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chất vấn về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, đang tồn tại các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế... trong khi đó, việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Đại biểu hỏi Bộ trưởng giải pháp là gì, làm thế nào để tiếp tục thu hút được vốn FDI nhưng khắc phục được tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý tỏ ra không bằng lòng với báo cáo của Bộ trưởng. Cụ thể, báo cáo về trách nhiệm bộ ngành địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là 1 trang. Tuy nhiên, 1 trang đó chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật.

“Những văn bản này đại biểu hoàn toàn có thể tra cứu được. Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của Bộ thì không thấy Bộ trưởng nêu. Tôi thấy cách trả lời này rất giống với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, đại biểu khoá 11 Nguyễn Ngọc Trân trước hội trường đã nhận xét: Bộ trưởng đưa ra 1 rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm Bộ trưởng đâu. Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia”, đại biểu Thuý thẳng thắn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản, Luật Đầu tư công, phân bổ vốn ODA,... cũng lần lượt được các đại biểu chất vấn.

Ban đầu, vì thời gian hạn chế (Bộ trưởng chỉ có 30 phút trong chiều nay – PV) , Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gợi ý các đại biểu chỉ đặt câu hỏi, Bộ trưởng lắng nghe và nghiên cứu và giải trình vào sáng mai (15/6). Tuy nhiên, trước nhiều vấn đề được đặt ra, Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời một số ý.

Về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng thừa nhận do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng. “Trước đây gấp khoảng 3 lần so với khả năng thu xếp vốn”, Bộ trưởng Dũng nói. Điều này cũng diễn ra trong thời gian dài vừa qua.

Sau này, với sự ra đời của Luật Đầu tư công đã giúp giảm đi sự dàn trải. Các quy trình từ chọn lựa đến phê duyệt dự án được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận nhiều dự án còn chưa được bố trí tập trung. Bộ trưởng giải thích là bởi nhu cầu đầu tư của từng ngành, địa phương là rất lớn.

Để khắc phục, Bộ trưởng Dũng đưa ra 4 giải pháp. Cụ thể, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương về tái cơ cấu đầu tư; thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường công tác kiểm toán các khâu để bố trí vốn phù hợp.

Thừa nhận việc giao vốn hàng năm còn chậm, Bộ trưởng Dũng nhận trách nhiệm về Bộ cũng như bản thân. Bộ trưởng nói vấn đề này được quy định rõ trong Luật đầu tư công, năm nay là năm đầu thực hiện, không tránh khỏi lúng túng từ phía các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng còn xin nhận thêm trách nhiệm là chưa kiên quyết, còn nể nang đối với việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh đó là trách nhiệm của mình, và hứa với Quốc hội sẽ thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công nhưng không làm mất đi những điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình.

Về vấn đề thu hút vốn FDI được đại biểu Ngân nêu ra, Bộ trưởng cũng thừa nhận những vấn đề còn tồn đọng đang gây nhức nhối. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định không vì những hạn chế đó mà không thu hút đầu tư và cam kết sẽ tìm cách khắc phục, hướng đến dòng vốn FDI có chất lượng cao.

Trong phiên sáng mai, Bộ trưởng Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu về các vấn đề liên quan.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên