MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên đầu tư cổ phiếu thị trường nào trong 2019?

27-11-2018 - 16:47 PM | Tài chính quốc tế

Dù dự báo triển vọng lớn, đặc biệt là các thị trường mới nổi nhưng Morgan Stanley vẫn không quá lạc quan về thị trường chứng khoán nói chung ...

Theo báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu năm 2019 (Global Strategy Outlook) của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, chứng khoán tại các thị trường mới nổi vừa trải qua một năm khó khăn, nhưng điều này có thể thay đổi đáng kể trong năm 2019.

Theo CNBC, những dự báo về sự chuyển mình của các thị trường mới nổi là lý do khiến Morgan Stanley khuyến nghị đầu tư cổ phiếu tại các nền kinh tế này thay vì cổ phiếu Mỹ trong năm tới. Ngân hàng này cho biết đã nâng hạng cổ phiếu của các thị trường mới nổi từ mức "giảm tỷ trọng" (underweight) lên "tăng tỷ trọng" (overweight) cho năm 2019, trong khi đó hạ cổ phiếu Mỹ xuống mức "giảm tỷ trọng".

"Chúng tôi cho rằng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) đã gần chấm dứt tại các thị trường mới nổi", Morgan Stanley cho biết trong báo cáo trên, ám chỉ rằng giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi sẽ sớm tăng.

Trong năm 2018, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi các thị trường mới nổi và đầu tư nhiều hơn vào các tài sản tại Mỹ do tỷ suất trái phiếu tăng cũng như đồng USD tăng giá. Trong khi đó, những rắc rối tài chính tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina leo thang khiến các nhà đầu tư càng có thêm lý do để rút khỏi các thị trường mới nổi.

Theo đó, Chỉ số Các thị trường mới nổi MSCI đã giảm gần 16% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo kịch bản cơ sở của Morgan Stanley, ngân hàng dự báo chỉ số này sẽ tăng 8% tính tới tháng 12/2019 từ mức hiện tại, vượt qua mức tăng dự báo 4% của cả S&P 500 của Mỹ và MSCI Europe Index của châu Âu.

Morgan Stanley ưa chuộng cổ phiếu của các thị trường mới nổi hơn so với của Mỹ bởi ngân hàng này dự báo các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm tốc trong năm tới.

Ngân hàng này dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm từ mức ước tính 2,9% của năm nay xuống 2,3% trong năm 2019 và 1,9% vào năm 2020. Điều này có thể sẽ làm giảm triển vọng đối với đồng USD, giúp các thị trường mới nổi vốn có số nợ lớn bằng USD "dễ thở" hơn. Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ giảm chậm từ 4,8% của năm nay xuống 4,7% của năm 2019 và trở lại mức 4,8% vào năm 2020.

Ngân hàng này cho biết trong số các thị trường mới nổi, cổ phiếu các nước được đánh giá ở mức "tăng tỷ trọng" gồm Brazil, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Peru và Ba Lan. Morgan Stanley đánh giá "giảm tỷ trọng" tại các quốc gia gồm Mexico, Philippines, Colombia, Hy Lạp và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Trên toàn cầu, Morgan Stanley cũng ưa chuộng các "cổ phiếu giá trị" hơn là "cổ phiếu tăng trưởng". "Cổ phiếu giá trị" là cổ phiếu của các công ty niêm yết được cho là đang giao dịch với giá thấp hơn giá trị thực tại. Trong khi đó, "cổ phiếu tăng trưởng" là cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn.

"Chúng tôi thấy rằng cổ phiếu giá trị tập trung vào các lĩnh vực gồm tài chính, nguyên vật liệu, năng lượng và tiện ích (theo thứ tự này)", Morgan Stanley nói. Ngân hàng này cũng cho biết thêm rằng đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn ở cả 4 lĩnh vực này và nhận định "tiêu cực tại các lĩnh vực như công nghệ, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng".

Trong báo cáo, Morgan Stanley cũng đề xuất ý tưởng đầu tư vào các doanh nghiệp khai khoáng và kim loại - vốn đang được hưởng nhiều hỗ trợ để tăng trưởng.

Dù dự báo triển vọng lớn vào cổ phiếu, đặc biệt là của các thị trường mới nổi, Morgan Stanley cho biết ngân hàng này không quá lạc quan về thị trường chứng khoán nói chung và vẫn duy trì mức đánh giá "trung lập" (neutral) cho loại tài sản này vào năm 2019. Morgan Stanley đánh giá mức "trung lập" cho trái phiếu chính phủ, "giảm tỷ trọng" cho nợ và "tăng tỷ trọng" cho tiền mặt.

Ngân hàng này chỉ ra 3 nhân tố làm "giảm sự nhiệt tình của nhà đầu tư với chứng khoán nói chung". Thứ nhất là những rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Thứ hai là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty giảm đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc và châu Âu. Thứ ba, các công ty có thể phải đối mặt với sức ép tăng lương và chi phí tài chính, làm hạn chế tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

Theo Ngọc Trang

VnEconomy

Trở lên trên