MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nếu bắt nữ lao động chân tay nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 là chết rồi!”

23-09-2016 - 07:36 AM | Xã hội

“Những người lao động chân tay như trong ngành dệt may, da giày, thủy sản hay cạo mủ cao su thì người nữ công nhân làm sao làm đến tuổi 58 được. Nếu bắt nữ lao động chân tay nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 là chết rồi!”.

“Những người lao động chân tay như trong ngành dệt may, da giày, thủy sản hay cạo mủ cao su thì người nữ công nhân làm sao làm đến tuổi 58 được. Nếu bắt nữ lao động chân tay nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 là chết rồi!”.

Đây là quan điểm của nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng xung quanh đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 tuổi với nữ giới và 62 tuổi đối với nam giới.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu

Ngày 21/9, tại Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Lao động năm 2012, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết đang lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để trình Quốc hội trong năm 2017. Trong đó có cân nhắc điều chỉnh điều 187, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu.

Được biết, phương án tăng tuổi hưu của nữ lên 58 và nam lên 62 từng được trình Quốc hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng không được thông qua.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân thì việc tăng tuổi nghỉ hưu và già hóa dân số là câu chuyện chung của nhiều quốc gia hiện nay chứ không phải riêng Việt Nam. Do đặc thù của dân số nước ta là đan xen giữa quá trình già hóa và thời kỳ dân số vàng. Điều này đặt ra cho nhà nước 3 vấn đề cần giải quyết tốt là tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo công ăn việc làm và giữ an toàn quỹ lương hưu.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết: “Tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 tuổi, nữ lên 58 tuổi là một trong những phương án. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ cần phân ra các ngành nghề. Đối với các ngành nặng nhọc, độc hại thì không kéo dài tuổi nghỉ hưu”.

Hiện tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 và nữ là đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.

"Chỉ cần thực hiện ở khoản 3 điều 187 Luật Lao động hiện hành là đủ"

Trước thông tin này, phóng viên báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng.

Ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, cần phân biệt lao động trí óc và lao động chân tay, chứ cào bằng tất cả mọi người lao động đến tuổi đó nghỉ là chưa hợp lý.

“Những người lao động chân tay đặc biệt trong ngành nặng nhọc như dệt may, da giày, thủy sản, cạo mủ cao su thì người nữ công nhân làm sao đến tuổi 58 được. Cho nên với những công nhân làm trong ngành nghề nặng nhọc này được nhận sổ hưu là niềm mơ ước của họ. Nếu bắt người nữ lao động chân tay nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 là chết rồi!” – ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 58 và nam lên 62 chỉ phù hợp với cán bộ công chức thậm chí cao hơn như đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu khoa học, luật sư, tòa án... Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn vào tuyệt đại đa số người lao động nữ như thế nào?

“Ngay đối với lao động nam cũng thế! Những người lao động bằng chân tay làm sao bắt người ta nâng lên 62 tuổi mới nghỉ hưu? Đề xuất này theo tôi cần phải phân tích theo từng ngành nghề để ra được tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. Đáng lẽ ra, chỉ cần thực hiện ở khoản 3 điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành là đủ ”- ông Tùng nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Bộ LĐ & TBXH đưa ra đề xuất nâng tuổi thọ của người lao động lên bởi chúng ta sắp bước vào giai đoạn dân số già, tuy nhiên có ý kiến cho rằng, hiện nay tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp rất lớn, việc nâng tuổi nghỉ hưu khiến cho tình trạng thất nghiệp ở các bạn trẻ càng gia tăng, quan điểm người từng đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về vấn đề này như thế nào?", ông Tùng cho rằng, bên nào cũng có lý lẽ của họ nhưng mình phải nhìn vào tuyệt đại đa số người lao động, chúng ta xây dựng luật phải dựa vào tuyệt đại đa số người lao động, dựa vào thực tiễn, thực tế thì hay hơn…. Cũng đồng ý rằng tuổi thọ của người Việt dần cao lên thì đương nhiên phải kéo dài thời gian làm việc nhưng ông Tùng một lần nữa nhấn mạnh phải xác định cụ thể từng đối tượng chứ chưa nên làm đồng loạt.

Điều 187 Luật Lao động 2012 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:

Điều 187. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên