MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu bị đánh vì mắc lỗi, trẻ sẽ chỉ ghi nhớ việc "bị đánh rất đau": Chuyên gia nhấn mạnh giáo dục trẻ em cần đúng cách, đúng mục đích và người lớn cần đặc biệt lưu ý điều này

03-10-2021 - 19:10 PM | Sống

Giáo dục trẻ em thế nào là đúng và hiệu quả luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Với sự phát triển của xã hội, rất nhiều quan điểm giáo dục đã thay đổi và xuất hiện mới. Tất nhiên, các quan điểm đó có thể nhận được đồng tình hoặc bác bỏ với nhiều lý do, góc nhìn khác nhau.


Cha mẹ, thầy cô làm gương cho con là cách dạy dỗ hiệu quả nhất

Mới đây, ý kiến "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt" của Tiến sĩ Vũ Thu Hương nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội. Nhiều người đồng tình với ý kiến này, cho rằng trẻ em ngày nay được nuông chiều thái quá, dẫn đến việc không nghe lời người lớn, vi phạm nội quy trường học nhưng không được răn dạy nghiêm khắc. Trong khi đó, một số người khác lại cho rằng các hình phạt đối với trẻ em có thể khiến các em tổn thương tâm lý, để lại hậu quả khôn lường.

Đối với những người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục, họ nhìn nhận vấn đề như thế nào? Coach Nguyễn Chi Mai, chuyên gia khai vấn cho cha mẹ (Parent Coach) và là nhà sáng lập, quản lý một trường mầm non từ 2008 cho rằng, việc sử dụng "kỷ luật" trong giáo dục là cần thiết.

Với kinh nghiệm 15 kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục sớm và quản lý giáo dục, nghiên cứu sâu tâm lý trẻ em, và các phương pháp tương tác giữa bố mẹ và con trẻ, chị Chi Mai cho rằng, khi giáo dục trẻ, người lớn cần đặc biệt lưu ý tới cách khía cạnh sau:

"Con không làm theo những gì cha mẹ nói, con làm theo những gì cha mẹ làm. Cha mẹ, thầy cô giáo chính là những tấm gương phản chiếu cho trẻ. Cha mẹ, thầy cô làm gương cho con là cách dạy dỗ hiệu quả nhất. 

Mỗi việc làm của người lớn đều gửi đến 1 thông điệp nào đó cho con trẻ. Chúng ta thử đặt địa vị là đứa trẻ khi ăn chậm bị phạt viết bài, lúc đó chúng ta – đứa trẻ bị phạt sẽ nhận được thông điệp gì từ giáo viên? Tiếp đến là sự "hỗ trợ" từ gia đình, để giúp con không bị phạt, gia đình sẽ đến đón con sớm, lúc này chúng ta – đứa trẻ được "giải cứu" sẽ nhận được thông điệp gì từ hành động này?"

Nếu bị đánh vì mắc lỗi, trẻ sẽ chỉ ghi nhớ việc bị đánh rất đau:  Chuyên gia nhấn mạnh giáo dục trẻ em cần đúng cách, đúng mục đích và người lớn cần đặc biệt lưu ý điều này - Ảnh 1.


Hãy tập trung vào giải pháp, đừng tập trung vào vấn đề của trẻ

Người lớn làm gì cũng sẽ đều có lý do và phạt trẻ cũng không ngoại lệ. Qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chị Chi Mai được nghe rất nhiều lý do phạt con của các bố mẹ, đó có thể là:

- Tôi phải phạt để con hiểu đâu là giới hạn, đâu là việc con được làm.

- Đôi khi bất lực, hết cách, không còn biết làm gì nữa thì tôi phạt.

- Nếu không phả thì làm sao con biết mình sai và không tái phạm nữa.

- Tôi đã thử rất nhiều cách rồi nhưng chỉ có phạt thì con mới nghe lời.

- Hồi xưa cha mẹ tôi cũng phạt tôi như thế nên tôi mới được như bây giờ, nên tôi áp dụng cách đó với con của mình.

Vậy trừng phạt có giúp trẻ hiểu ra việc chúng đã vi phạm các giới hạn, các quy tắc trong gia đình hay trường học? Sau khi bị phạt liệu trẻ có hối lỗi cho những gì đã làm và nghĩ đến việc sửa chữa hay chỉ nhớ đến việc mình chép bài mỏi tay như thế nào, 3 roi của bố đau mỗi khi ngồi xuống thế nào…và chĩa sự giận dữ về phía người trừng phạt mình.

Chị Chi Mai phân tích rằng, nếu bị đánh vì mắc lỗi, trẻ sẽ chỉ ghi nhớ việc "bị đánh rất đau" mà không nhớ đến lí do bị đánh. Cuối cùng mục đích đánh mắng trẻ của người lớn cũng không đạt được.

Nếu bị đánh vì mắc lỗi, trẻ sẽ chỉ ghi nhớ việc bị đánh rất đau:  Chuyên gia nhấn mạnh giáo dục trẻ em cần đúng cách, đúng mục đích và người lớn cần đặc biệt lưu ý điều này - Ảnh 2.

Chị Chi Mai gợi ý một số phương pháp giúp trẻ hiểu được nguyên tắc, kỷ luật có hiệu quả:

- Đề xuất lựa chọn: việc lựa chọn sẽ hữu ích bởi khi đưa ra những tình huống trẻ sẽ buộc phải suy nghĩ, cân nhắc, nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề để đưa ra quyết định. Sự lựa chọn cho trẻ cơ hội mắc sai lầm và rút kinh nghiệm từ hậu quả của những sai lầm đó. Với lựa chọn sai, các hình phạt không do người lớn đặt ra mà do chính cuộc sống mang lại.

-Tập trung vào giải pháp, không tập trung vào vấn đề của trẻ: khi trẻ vi phạm quy tắc hay làm việc gì đó rối tung lên, người lớn thường giận dữ và muốn trừng phạt trẻ ngay lập tức, nhưng trừng phạt hay xoáy vào việc làm sai trái của trẻ sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy mình yếu kém, không được tôn trọng, ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Thay vì làm quan tòa chất vấn với vô vàn câu hỏi "tại sao lại bị điểm kém, tại sao lại ăn chậm, tại sao lại đánh bạn…" và tuyên án "con sẽ bị phạt 5 roi, con phải chép 10 trang vở,…" thì hãy hướng tới giải pháp.

Ví dụ câu chuyện về đứa trẻ làm vỡ lọ hoa. Thay vì tập trung vào vấn đề: con hậu đậu quá, suốt ngày làm đổ vỡ đồ của bố mẹ, lần sau mẹ cấm con mở tủ đồ này, nhớ chưa. Hãy tập trung vào giải pháp: mẹ rất buồn khi lọ hoa yêu thích của bố mẹ bị vỡ, con sẽ làm gì bây giờ? Con rút được bài học gì cho mình?

Tất cả những mức kỷ luật khác nhau đều cần dựa theo lứa tuổi của trẻ và có sự thỏa thuận trước và thống nhất với trẻ ngay từ đầu. Bố mẹ, cô giáo cần có sự rõ ràng và thống nhất các nguyên tắc áp dụng với trẻ để không khiến trẻ bị sợ hãi, hoang mang.

"Giáo dục cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Bố mẹ hãy dạy con chịu trách nhiệm về những việc liên quan đến bản thân mình. Thế giới trẻ em rất đa dạng, nhiều màu sắc. Cha mẹ, thầy cô hãy lắng nghe, để lớn cùng trẻ trước khi phán xét và hành động. Chỉ khi bình tĩnh và dành thời gian lắng nghe thì giáo viên, cha mẹ mới điều hướng đúng khi giáo dục trẻ", chị Chi Mai nói.

Hoàng Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên