MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua

07-07-2019 - 15:17 PM | Sống

Dừng chân ở Indonesia, hãy thử một lần quên đi câu chuyện “ăn - cầu - nguyện” nơi hòn đảo Bali thiên đường. Indonesia còn đầy những điều kỳ vĩ chờ du khách khám phá, như thị trấn nhỏ Cemoro Lawang và núi lửa Bromo đẹp sững sờ trong sương sớm.

Rời Bali một đêm tháng sáu, rời xa những bữa sáng trên bể bơi tại Ubud, Bali Swing, bể bơi vô cực hay checklist những địa điểm sống ảo không thể bỏ qua tại Bali, tôi tìm đến Cemoro Lawang - thị trấn nhỏ nằm gần núi lửa Bromo ở độ cao hơn 2000m. Nếu Bali là thiên đường trên mặt đất, Bromo trong mắt tôi, là một thiên đường của sự tĩnh lặng, chờn vờn trong những đám mây với những trải nghiệm du lịch tuyệt vời nhất tôi từng biết.

Indonesia không chỉ có một Bali với hàng triệu du khách mỗi năm, miền đông Java còn ẩn chứa núi lửa Bromo - một vẻ đẹp trầm lắng đủ khiến người ta sững sờ.

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 1.
Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 2.

“Probolingo?”, cậu phụ xe hỏi khi chiếc xe khách chở từ Bali vừa tới Probolingo.

“Yes yes, but no no… Bangyuagga”, tôi vừa nói vừa chỉ vào Google Maps. Đó là bến xe tôi muốn dừng chân.

Nếu đi từ Bali, bạn sẽ mất khoảng 10 tiếng để tới thành phố Probolingo. Từ đây, du khách sẽ phải ngồi xe khách - loại xe van 15 chỗ cổ lỗ và xập xệ, để lên làng Cemoro Lawang. Phải đủ khách thì xe mới chuyển bánh, hoặc bạn phải chịu chia tiền cho giá của một chiếc xe khoảng 400 - 600 nghìn IDR (tương đương 600 nghìn - 900 nghìn VNĐ). Sau khi chờ một tiếng, xe của tôi cũng đủ 15 người, chia ra chỉ khoảng 35.000 IDR cho một người.

Đường lên làng Cemoro Lawang ngoằn ngoèo như lên Hà Giang, dù lạnh hơn nhiều. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi, chiếc xe ô tô cũng tới được thị trấn, lái xe trả từng nhóm khách về nhà nghỉ - cái thị trấn bé chút xíu. Bạn sẽ phải trả 20,000 IDR vé vào thị trấn, chưa tính tới vé vào vườn quốc gia nơi có núi lửa Bromo.

Cậu tài xế hỏi chúng tôi có muốn mua tour xe jeep lên ngắm núi lửa luôn không. Tôi chỉ có hai lựa chọn, một là đi bộ khoảng 2 tiếng lên điểm quan sát rồi sau đó đi một con đường tắt vào vườn quốc gia, như vậy hoàn toàn miễn phí nhưng vất vả - và trốn vé. Hoặc không, cậu ấy đưa ra mức giá 350.000 IDR - không thấp nhưng hợp lý khi vé vào vườn quốc gia đã là hơn 300.000 IDR, tính ra gần 500 nghìn VNĐ. Nghĩ phải thức dậy vào 3 giờ sáng trong cái lạnh 9 độ C, tôi chọn mua một tour xe jeep cho thoải mái.

Cemoro Lawang là điểm trung chuyển cho những lữ khách nghỉ một đêm, sáng sớm hôm sau leo núi Bromo rồi lại tất tả tới ijen - hồ nước xanh nổi tiếng, quay lại Surabaya hoặc tới Bali. Nắng chiều trải dài trên sườn núi, đổ dài trên những cánh đồng trồng cần tây, nhuốm màu vàng úa trên những mái nhà. Ai đó ví Cemoro Lawang như những thị trấn nhỏ trên đỉnh Himalaya cũng đúng, chỉ khác nơi đây trông xa ra là những ngọn núi lửa. Tôi chưa tới Himalaya nhưng cái lạnh 9 độ, sự tĩnh lặng thỉnh thoảng bị quấy quả bởi tiếng vó ngựa lộp cộp chắc cũng y như vậy. Từ nhà nghỉ tôi ở, đi vài bước lên một triền đồi, nhìn xa xa là núi lửa Bromo. Hoàng hôn ở đây không tráng lệ như bình minh nhưng thu mình trong nắng chiều ta cũng thấy bồi hồi. Trước khi đêm dần buông, tôi đi loanh quanh làng và dừng ở một “warung” - quán ăn nhỏ rồi về sớm đi ngủ.

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 3.

“Room A2”, cậu lái xe đi xông thẳng vào phòng gõ cửa, dù tôi đã dậy từ 3h chờ sẵn.

“Yes”.

Nói rồi, cậu đưa chúng tôi lên xe, tiền đã trả từ hôm trước. Nhìn chung, ngoài tiền tour thì mọi thứ ở đây khá rẻ, giá phòng tính ra khoảng hơn 300 nghìn VNĐ cho 2 người/1 đêm. Nếu bạn đi tour kết hợp với hồ nước xanh Ijen hoặc đi trọn gói từ Probolingo thì sẽ có một giá khác, miễn là cẩn thận với các kiểu lừa đảo du lịch.

Chiếc xe Jeep đi đón thêm vài người nữa trước khi tiến tới điểm ngắm núi Bromo trong ánh hoàng hôn. Nhiệt độ ngoài trời lúc đó chỉ cỡ 7 độ, vì không chuẩn bị trước nên tôi chỉ có một chiếc áo khoác mỏng. Cả đoàn dài xe Jeep chở khách du lịch tắc cứng trên đường tới Bromo khiến chúng tôi phải đi bộ một đoạn. Ngẩng đầu lên trời, cũng lâu lắm rồi tôi chưa thấy bầu trời sao đẹp đến vậy - bên này là bầu trời đêm lấp lánh, bên kia là ánh hồng bắt đầu ửng lên. Từng nhóm khách du lịch chen nhau, mong có được chỗ đẹp ngắm bình minh.

Không muốn chen nhau ở đó, cả nhóm khách trên chiếc xe Jeep leo lên một sườn đồi đằng sau. Ban đầu mọi người cũng sợ vì không ai trèo lên, nhưng nghĩ tới cảnh toàn thấy đầu người lô nhô, tôi quyết định cứ vạt cỏ mà đi thôi. Và tôi biết, đó là quyết định sáng suốt nhất trong đời du lịch của mình.

Núi lửa Bromo và ngọn núi bên cạnh trải ra trước mắt, ánh mặt trời đang dần len lỏi, sưởi ấm không gian và mê đắm du khách. Từ trên cao này, tôi như cảm nhận được sự biến chuyển của không gian, như một đoạn video timelapse mặt trời dần nhô lên cao. Tất cả đều im lặng, sợ khẽ khàng cử động cũng bỏ lỡ một nhịp điệu của mặt trời. Đó là những sắc màu bình minh đẹp nhất trong đời tôi: Một tầng mây phía trên pha màu xanh nhạt, những dãy núi ngả hồng trải dài trong tia nắng vàng ửng. Bromo hiện lên, tráng lệ và ngạo nghễ, xung quanh là lớp sương mỏng còn chưa tan hết.

Bạn đừng nhầm với ngọn núi tròn đều chính giữa, núi lửa Bromo nằm bên cạnh, nhưng ai cũng phải tranh thủ chụp hình với ngọn núi đẹp như tranh này. Tôi hiểu vì sao, có những hoàng hôn khiến người ta chết lặng. Đó là khoảnh khắc nhập tâm vào thiên nhiên, không bị những bon chen, vội vã của cuộc sống xô đẩy. Bình minh từ trên sườn đồi nhìn về phía Bromo là bình minh đẹp nhất cuộc đời tôi, cho tới bây giờ. Giây phút ấy, có lẽ người ta cũng muốn ước một điều gì đó, dù chẳng phải ngôi sao băng vụt qua bầu trời. Như thể có ngàn mặt trời rực rỡ đang bủa vây lấy núi đồi, và cả chúng tôi.

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 4.
Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 5.
Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 6.
Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 7.
Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 8.

Với tour đơn giản như này, sau khi được chở lên tới điểm quan sát núi Bromo, lái xe sẽ đưa bạn tới biển cát - “Sea of sand” như người dân địa phương vẫn gọi, để bắt đầu hành trình leo núi lửa. Tới đây vào khoảng 6:30 sáng khi trời còn chưa nắng gắt, khung cảnh biển cát cũng mờ ảo vì… bụi.

Con đường lên đỉnh núi lửa không quá xa nhưng cũng khiến nhiều người nuốt nước bọt khi nghĩ tới vì quá bụi và nhất là sau một đêm ít ngủ, dậy vào 3 giờ sáng. Bạn có thể thuê ngựa lên tới chân bậc thang leo núi lửa, cả đi cả về khoảng 100.000 Idr (gần 170 nghìn VNĐ) nhưng tôi chọn cách đi bộ - phần vì không muốn ngồi trên những chú ngựa gầy gò, phần vì muốn tự mình trải nghiệm.

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 9.

Biển cát hiện lên như xứ sở Ả Rập hay miền Trung Á xa xôi nào đó, với vó ngựa tung bụi mù, những người nài ngựa che kín mặt vì bụi, lững thững dẫn ngựa chở du khách qua biển cát, dần qua những hẻm đồi để lên tới điểm đi bộ. Ai đó thấy mình như lữ khách băng qua sa mạc, hay một người du mục vượt gió cát trên hành trình vạn dặm. Càng lên cao lưng đồi, khung cảnh ở dưới hiện ra càng huyền ảo, lãng đãng, như một chương trong Nghìn lẻ một đêm.

Đến điểm leo cầu thang núi lửa, tôi phải bịt khẩu trang vì mùi lưu huỳnh từ miệng núi với khói bốc lên cao. Nhìn xa tưởng gần nhưng leo được lưng chừng thang, tôi đã thở dốc vì mùi nồng nặc - nhiều người ho sặc sụa và phải ngồi nghỉ. Gắng sức chút nữa rồi cũng tới miệng núi lửa Bromo, một bên là toàn cảnh biển cát trải dài, bên còn lại là miệng núi lửa bốc khói nghi ngút. Đó là lần đầu tiên, tôi thấy mình nhỏ bé và yếu đuối trước thiên nhiên như nào. Từng đoàn người như những chấm nhỏ li ti, miệt mài hướng về ngọn núi lửa, chỉ để biết mình còn đủ nghị lực để chinh phục những đỉnh cao trong cuộc sống.

Ngắm bình minh ở núi lửa: Trải nghiệm đẹp sững sờ mà ai đi Bali cũng bỏ qua - Ảnh 10.

Thị trấn Cemoro Lawang đón những du khách mệt nhoài vào lúc 8 giờ sáng; người chuẩn bị đồ đạc để đi về phía Ijen, người nghỉ ngơi rồi đi về Probolingo hoặc đi tiếp sang Bali. Tôi tranh thủ những phút giây yên bình cuối cùng, nhâm nhi tách trà gừng và nhìn Cemoro Lawang lần cuối.

Chẳng cần tới Bali, chúng ta vẫn có thể “ăn - cầu nguyện - yêu” và tĩnh tâm nơi thị trấn này. Nhất định tôi sẽ trở lại.

Theo Minh Đức - Thiết kế: Jordy

Trí thức trẻ

Trở lên trên