MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tăng phòng thủ thanh khoản

22-10-2018 - 17:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Dùng nguồn vốn ngắn hạn mà cho vay trung - dài hạn sẽ khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro thanh khoản

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% sẽ được áp dụng. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi quy định trên có hiệu lực sẽ tác động đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Đã có ý kiến đề nghị NHNN tiếp tục cho phép các TCTD được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn trong năm 2019 thay vì giảm về mức 40% như quy định hiện hành.

Về kiến nghị này, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, bối cảnh hiện tại khác trước khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định hơn không còn tình trạng lệch cơ cấu kỳ hạn, ăn đong vốn. Còn xét ở góc độ quản lý, NHNN không nên tiếp tục nhượng bộ giãn thời gian áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tạo tiền lệ không tốt, có thể làm cho thị trường nhờn thuốc.

Ngân hàng tăng phòng thủ thanh khoản - Ảnh 1.

“Định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra gần hai năm cũng là khá dài để cho các ngân hàng chủ động cân đối lại nguồn vốn. Nên không có lý do gì mà phải lùi lại. Việc áp dụng tỷ lệ 40% sang năm 2019 siết chặt các chỉ số an toàn để đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững là cần thiết và tôi nghĩ rằng đó vẫn là mục tiêu mà NHNN đang hướng đến”, vị này nhìn nhận.

Không chỉ giới chuyên môn, mà ngay cả bản thân các ngân hàng cũng cho rằng, việc lùi lại thời điểm áp dụng tỷ lệ sử dụng ngắn hạn cho vay trung dài hạn là không cần thiết. Bởi không chờ đến khi quy định này đến hạn phải thực thi, hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhiều ngân hàng giảm xuống chỉ 30% hoặc hơn chút.

CEO một ngân hàng cho biết, hiện tỷ lệ này tại ngân hàng của ông đã giảm xuống còn gần 34%, thấp hơn nhiều so với quy định mà NHNN áp dụng tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN vào đầu năm 2019.

“Ngân hàng xác định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn càng cao thì rủi ro thanh khoản đối với ngân hàng càng lớn”, ông nhấn mạnh khi được hỏi vì sao ngân hàng lại giảm nhanh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sớm.

Vị này chia sẻ, ngân hàng muốn chủ động quản lý dòng tiền chứ không phải nước đến chân mới nhảy. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện tại của ngân hàng đã được chuẩn bị gần 1 năm nay nhằm đáp ứng được nhu cầu khách hàng, đồng thời không để bị rơi vào tình huống một lúc nào đó phải ngừng giải ngân vì đã chạm ngưỡng. Đối với tỷ lệ an toàn vốn, chúng ta phải nhìn xa hơn để vừa giải quyết được nhu cầu của khách hàng nhưng vẫn đảm bảo mức độ an toàn cho ngân hàng.

“Nếu mình dùng nguồn vốn ngắn hạn mà cho vay dài hạn thì khả năng rủi ro thanh khoản sẽ cao hơn. Theo quy định của Basel II đòi hỏi các ngân hàng phải quản lý rủi ro cả 3 trụ cột: tín dụng, thanh khoản và hoạt động. Nếu chúng ta không quản lý rủi ro thanh khoản tốt đến lúc có vấn đề chi phí sẽ rất cao. Đơn cử, thanh khoản bị hạn chế buộc các ngân hàng thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí khả năng bị ngưng hoạt động cũng có thể xảy ra. Khi đó liệu với nguồn vốn ngắn hạn mỏng như vậy thì giải quyết bằng cách nào? Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần mức độ thận trọng cao hơn”, lãnh đạo ngân hàng này đưa ra quan điểm.

Chủ động giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn khá sớm là xu hướng nhiều ngân hàng đang thực hiện. Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, quy định này đã được NHNN gia hạn 1 năm, nên các ngân hàng đều có thời gian dài để chuẩn bị thực hiện. Thời hạn mà NHNN đưa ra cho các ngân hàng là rất phù hợp.

Cách thức khá phổ biến của các ngân hàng đang thực hiện để giảm cơ học tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đó là giảm các khoản cho vay trung dài hạn, trong khi tích cực huy động nguồn vốn trung dài hạn. Ông Văn cho biết, để duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức thấp, ngân hàng hạn chế cho vay trung dài hạn, chủ yếu vay vốn lưu động.

“Khi NHNN đưa ra chủ trương hạn chế cho vay BĐS, ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn cho vay để giảm rủi ro thanh khoản. Nên tỷ lệ này của ngân hàng ở mức thấp”, ông Văn bổ sung thêm.

Động thái chủ động tăng các khoản vay ngắn hạn, theo CEO một ngân hàng khác đánh giá là giải pháp khá phù hợp và được nhiều ngân hàng chọn để đảm bảo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tỷ lệ cho vay ngắn hạn tăng lên sẽ kéo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống. Động thái này còn giúp cho danh mục tín dụng trở nên năng động hơn.

Ví dụ, ngân hàng có 1.000 đồng cho vay kỳ hạn 3 tháng thì với số vốn này có thể quay vòng cho vay 4 lần trong 1 năm. Còn nếu cho vay dài hạn trong vòng 3 năm thì 1.000 đồng đó sẽ bị “đóng băng” và ngân hàng có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn trong thời gian này, trong khi những khách hàng khác cũng mất đi cơ hội được vay vốn.

“Ở đây mình phải suy nghĩ cách nào để giải quyết tốt nhất cho khách hàng. Khách hàng bản chất họ cần cả 1.000 đồng cho 3 năm hay họ chỉ cần 1.000 đồng trong 3 tháng, sau 3 tháng họ sẽ trả lại. Sau 3 tháng đó tôi lại có 1.000 đó để cho khách hàng khác vay. Như vậy, tôi có thể xoay dòng tiền đó đến 4 lần và giải quyết được nhu cầu của 4 khách hàng khác nhau”, vị này lý giải thêm.

Mặc dù việc lãi suất cho vay ngắn hạn không cao bằng cho vay dài hạn. Vì lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn khoảng 6%/năm trong khi cho vay dài hạn khoảng 9 - 11%/năm. Nhưng cho vay ngắn hạn, dòng vốn ngân hàng được luân chuyển nhanh hơn. Khi tái tạo tiền tốt hơn thì chắc chắn mức sinh lời mà ngân hàng thu được cũng cao. Chưa kể, theo ông Văn, ngân hàng còn có thêm khách hàng mới chủ yếu khách hàng cá nhân bán chéo sản phẩm nhiều hơn, tăng thu từ dịch vụ cho ngân hàng.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên