MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị kiềm chế tăng chi cho quỹ lương

Nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp nhưng chi tiêu công vẫn ở mức cao. Tổng chi tiêu công giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 29,2% GDP, trong khi thu ngân sách trên GDP chỉ là 23,8%. Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn tiếp tục như hiện nay thì nợ công của Việt Nam sẽ vượt trần (65% GDP) trong những năm tới.

Thông tin này được đưa ra tại buổi công bố báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, sáng ngày 11/12 do Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Nguồn thu ngân sách tính trên tỉ trọng GDP suy giảm mặc dù số tuyệt đối vẫn tăng. Thu ngân sách trên GDP là 23,8%, tăng nhẹ so với vài năm trước, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng. Tỉ lệ huy động thu từ GDP cho Ngân sách Nhà nước giảm từ 26,4% giai đoạn 2006 – 2010 xuống 23,4% giai đoạn 2011 – 2015.

Nguồn thu giảm là do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thuế đất và thu từ dầu thô giảm. Việc mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới dẫn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất cũng tác động đến số thu trước mắt. Ngoài ra, giá dầu thế giới và sản lượng khai thác dầu thế giới giảm khiến giảm thu từ dầu thô.

Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì chi tiêu công tính trên GDP vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước và so với các nước trong khu vực. Tổng chi tiêu công của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015 chiếm đến 29,2% GDP, tăng nhẹ so với mức 28,9% trong giai đoạn 2006 – 2010. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi của ngân sách nhà nước (theo giá thực tế bình quân) là 14,7% vào giai đoạn 2011 – 2015, giảm so với tốc độ 21,7% giai đoạn 2006 – 2010.

Xét về cơ cấu của chi tiêu công, tỉ trọng chi đầu tư suy giảm trong khi đó chi thường xuyên tăng. Chi thường xuyên chiếm khoảng 70% tổng chi trong thời kỳ 2011 – 2015, so với 63% thời kỳ trước đó. Tỉ trọng chi thường xuyên tăng đồng nghĩa với quỹ ngân sách cho chi đầu tư ngày càng thu hẹp.

Trong chi thường xuyên, Nhà nước đẩy mạnh chi cho an sinh xã hội. Tốc độ tăng chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu và chi ngân sách. World Bank ghi nhận các quỹ an sinh xã hội đóng góp đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo. Tổng lợi ích mà người nghèo nhận được gồm các dịch vụ y tế, giáo dục và hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội khác nhiều hơn số thuế mà họ phải nộp.

Ngoài ra, chi lương cho cả khối hành chính và sự nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào tăng chi thường xuyên. Quỹ lương chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách. Trong giai đoạn 2009 – 2012, tỷ trọng chi lương so với GDP tăng từ 6,2% năm 2009 lên 7,3% năm 2012. Quỹ lương tăng nhanh cho hai yếu tố là biên chế và lương cơ sở.

Cho đến nay, lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần do trượt giá và Chính phủ muốn tăng thu nhập cho khu vực công. Lương cơ sở và phụ cấp tăng khoảng 12%/năm.Biên chế của Việt Nam vẫn tăng nhanh và quy mô chưa tinh gọn, có năm số biên chế tăng đến 20% do các các địa phương đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Tốc độ tăng biên chế còn cao hơn tốc độ tăng dân số (1,1%).

Mặc dù so sánh với quốc tế cho thấy tỷ lệ chi lương trong tổng chi của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy phải cẩn trọng. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị kiềm chế tăng chi thường xuyên, đặc biệt là quỹ lương.

Chi đầu tư vẫn duy trì ở mức cao trong khu vực và trên thế giới, mặc dù giảm tỉ trọng trong tổng chi tiêu Chính phủ. Chi đầu tư từ ngân sách tăng từ 28,4% giai đoạn 2006 – 2010 lên 29,1% giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ lệ chi đầu tư từ NSNN trên GDP là 9% cao hơn đáng kể so với Indonesia (3,3%), Hàn Quốc (4,2%) và Singapore (6,1%). Ngân sách Nhà nước chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp lớn vào đầu tư hạ tầng công cộng.

Mức độ phân cấp chi đầu tư từ trung ương xuống địa phương ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công. Mức phân cấp cao có thể biến các địa phương thành đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức phân cấp quá nhanh có thể khiến nguồn lực bị dàn trải khi công tác phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế. Các dự án ở địa phương hiện có quy mô khá nhỏ, trung bình khoảng 5 tỷ đồng.

Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank cho biết: "Nếu địa phương nào cũng muốn có sân bay, cảng hàng không, khu công nghiệp... và tính chất phối hợp giữa các địa phương còn yếu dẫn đến nguồn lực bị dàn trải, chưa đạt được hiệu quả tối đa của toàn thể quốc gia."

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam nên duy trì mức độ chi đầu tư để phục vụ tăng trưởng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng cần chú trọng tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực này.

Chu Lan Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên