MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới: Nhiều quốc gia đang học tập Việt Nam về an ninh lương thực

Ngân hàng Thế Giới trong một báo mới đây cho rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về an ninh lương thực, sản lượng cung cấp trên thị trường quốc tế. Tuy vậy nông nghiệp vẫn còn hạn chế với nhiều bất cập về phúc lợi của nông dân, môi trường và chất lượng sản phẩm, trong khi những thử thách về chi phí lao động, đất đai, nước và cạnh tranh đến từ những ngành khác.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam với chuyên đề Chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam - Tăng giá trị giảm đầu vào, các chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỷ qua và quốc gia đã được bình chọn làm "câu chuyện thành công" về an ninh lương thực.

Từ thập kỷ 1990 đến nay, những tiến triển về thâm canh và đẩy mạnh năng suất lúa của hộ nông dân nhỏ đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Từ một quốc gia bị thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện đã đứng ở mức cao trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình. Báo cáo nhận xét rằng, “Nhiều quốc gia đang tìm cách học tập thành công của Việt Nam về an ninh lương thực”.

Cũng trong giai đoạn trên, Việt Nam bất ngờ nổi lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản quốc tế. Kết quả về quy mô và phạm vi thương mại đều hết sức ấn tượng. Kim ngạch thương mại của bảy mặt hàng (hoặc nhóm mặt hàng) nông sản khác nhau của Việt Nam đến nay đã đạt trên 1 tỷ USD, đưa quốc gia vào nhóm năm quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu ở mỗi mặt hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng thành tựu về phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa được ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việt Nam còn thua kém các quốc gia trong khu vực nếu xét về năng suất sử dụng nước, lao động và đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù ẩm thực Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn ở các quốc gia thu nhập cao, nhưng hầu hết thành phần và thực phẩm do người Việt Nam cung cấp lại chưa được người tiêu dùng biết đến, một phần do quan niệm về rủi ro an toàn thực phẩm hoặc môi trường.

Báo cáo cũng cho biết, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam nhờ vào sử dụng ngày càng nhiều đầu vào, đôi khi với những phí tổn lớn về môi trường. Tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên quảng canh hoặc đẩy mạnh thâm dụng đất và các tài nguyên khác, thâm dụng phân bón, thuốc kháng sinh và các hóa chất nông nghiệp khác.

Nói về khó khăn thách thức, các chuyên gia WB khẳng định, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng nhiều trong nước - với các đô thị, công nghiệp và dịch vụ - về lao động, đất đai và nước. Chi phí lao động tăng bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành, với lợi thế sản xuất chi phí thấp các mặt hàng nông sản đại trà.

Thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã giảm - từ 4,5% mỗi năm giai đoạn 1994 - 2000 xuống 3,3% giai đoạn 2001 - 2007, và 2,6% giai đoạn 2008 - 2013. Hệ quả thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào đang ngày càng trở nên rõ nét - cả về môi trường và thu nhập của nông dân. Một số vấn đề về môi trường đang gây tác động bất lợi về năng suất cũng như uy tín và vị thế quốc tế của nông sản Việt Nam.

Đề xuất giải pháp, báo cáo cho rằng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế - nâng cao phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng - nhưng sử dụng ít tài nguyên, nhân công và đầu vào trung gian độc hại hơn. Tăng trưởng sẽ chủ yếu dựa trên nâng cao hiệu suất, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Thanh Hương

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên