MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tính tăng điều kiện phòng rủi ro tài khoản

26-09-2016 - 14:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều điểm mới dự kiến sẽ được bổ sung vào thủ tục mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nguyên do, việc sửa đổi và bổ sung Thông tư 23 cho phù hợp với những thay đổi của cơ sở pháp lý, từ việc thay thế Bộ Luật dân sự năm 2005 bằng Bộ Luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017); cũng như bổ sung thêm căn cứ là Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cũng xuất phát từ thực tế phát sinh trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là sau một số vụ việc rủi ro tài khoản xẩy ra gần đây.

Theo quy định hiện hành, chủ tài khoản của tổ chức là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản và thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán. Nhưng theo dự thảo mới, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản; và người đại diện hợp pháp của tố chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.

Quy định về “Ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán” cũng có điều chỉnh trong dự thảo thông tư mới.

Ở quy định hiện hành, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.

Quy định trên dự kiến sẽ điều chỉnh lại theo hướng: chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác, tổ chức khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình; việc ủy quyền phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.

Một điểm được chú ý khác trong dự thảo mới, có trong một tình tiết ở sự việc khách hàng tố bị mất 26 tỷ đồng tại VPBank gần đây (hiện chưa có kết luận cuối cùng).

Đó là, quy định hiện hành chỉ yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ lưu giữ mẫu chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (trường hợp khách hàng là tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng) và những người được ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Còn theo hướng điều chỉnh mới, họ phải lưu giữ và cập nhật đầy đủ mẫu chữ ký của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản), mẫu dấu (nếu có), mẫu chữ ký (nếu có) của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền) và các thông tin về tài khoản thanh toán để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Những điểm quy định chặt chẽ hơn ở trên cũng dự kiến đưa vào trong quy định về hồ sơ đề nghị mở tài khoản thanh toán của các tổ chức.

Và cũng từ thực tế phát sinh thời gian gần đây, với chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xác định rõ ràng và chặt chẽ trách nhiệm trong các trường hợp phát sinh rủi ro, dự thảo thông tư mới cũng đã có bổ sung cụ thể.

Theo đó, dự kiến khi mở tài khoản thanh toán, nội dung hợp đồng giữa khách hàng và ngân hàng phải ghi rõ trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Theo Nhật Nam

VnEConomy

Trở lên trên