MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách nhà nước sẽ thu thêm 4.000 - 8.000 tỷ đồng nhờ... một con tem

Từ thí điểm triển khai dán tem tại các địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng cho thấy sau đó thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đều tăng 10-20%.

Theo số liệu từ Global Petro Prices công bố tháng 8 năm ngoái, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam ở mức 0,21 lít/ngày/người. Con số này xấp xỉ Hong Kong, Trung Quốc, nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung trong khu vực. Với sự gia tăng của dân số cùng các phương tiện giao thông lớn hơn trước, dự báo mức tiêu thụ này còn tiếp tục tăng.


Nguồn: Global Petro Prices.

Nguồn: Global Petro Prices.

Lượng tiêu thụ xăng dầu hiện này đến từ 2 nguồn lớn gồm cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua xăng, dầu đều không lấy hóa đơn. Điều này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp đã đưa lượng xăng dầu trên các hóa đơn để cung cấp cho các tổ chức hành chính sự nghiệp quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh nhằm áp dụng phương pháp khấu trừ để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào; đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến giảm số thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp.

Ngoài ra một số đơn vị vì mục đích lợi nhuận, đã nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán và không thực hiện kê khai đầu ra, đầu vào, nộp thuế cho lượng xăng dầu trên. Việc này không chỉ gây thất thu NSNN cho mà còn tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tổn hại cho người tiêu dùng, do chất lượng xăng dầu trôi nổi không được kiểm soát.

Trước thực trạng này, sáng 18/7, Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức gặp mặt, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trên địa bàn nhằm gia tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Từ 1/8, Tp.HCM sẽ triển khai dán tem 3.700 trụ bơm xăng dầu.

Hiện trên địa bàn thành phố có 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, với 3.700 trụ bơm xăng dầu chưa dán tem. Trong đó, 244 cửa hàng thuộc sở hữu các công ty, 289 cửa hàng thuộc các thành phần kinh tế tư nhân.

Ông Lê Duy Minh, phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc dán tem cột xăng dầu nhằm quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng bán xăng dầu làm căn cứ kê khai nộp thuế góp phần chống thất thu cho NSNN; chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu; tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hoá đơn hợp pháp khi bán cho người tiêu dùng.

Hiểu đơn giản việc dán tem này khiến người bán sẽ không thể tự ý thay đổi được số lượng xăng dầu đã bán ra, vì nếu có sự tác động cố ý vào đồng hồ tổng thì chiếc tem sẽ bị rách và khi đó chủ cửa hàng xăng dầu sẽ bị xử phạt hành chính.

Định kỳ cuối quý, cơ quan thuế sẽ cử người đến ghi nhận chỉ số trên đồng hồ của từng trụ bơm, xác định lượng xăng dầu bán ra và đối chiếu với tờ khai đầu vào của doanh nghiệp. Nếu có sự chênh lệch thì chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt, truy thu thuế.

Từ thí điểm triển khai dán tem tại các địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng cho thấy sau đó thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đều tăng 10-20%. Điều này là do các cây xăng phải kê khai doanh số thật và mua hàng hóa có nguồn gốc, thay vì tuồn hàng lậu vào bán và giấu đi doanh số như trước.

Ngoài ra ngành thuế ước tính nếu quản lý chặt, riêng với thuế bảo vệ môi trường, ngân sách sẽ thu thêm được 4.000 - 8.000 tỉ đồng cũng như một khoản không nhỏ từ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM cho rằng việc quản lý đồng hồ tổng thực chất là giải pháp vận dụng của cơ quan thuế để quản lý đầu ra và cũng có mặt hạn chế.

Với lượng cây xăng lớn, việc kiểm tra niêm phong, số liệu không hề đơn giản với các cơ quan chức năng. Đơn vị này cho rằng cơ quan thuế có thể thực hiện quản lý bằng phương pháp điện tử thay vì cách làm thủ công như hiện nay.

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên