MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn sữa loạn giá

10-08-2017 - 08:31 AM | Thị trường

Để doanh nghiệp chủ động về giá sữa nhưng các bộ, ngành và cả người dân cùng tham gia giám sát nhằm tránh xảy ra gian lận, trục lợi.

Theo quy định tại Thông tư 08/2017 của Bộ Công Thương về đăng ký kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, từ hôm nay (10-8), doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa sẽ được chủ động tăng giá dưới 5% mà không phải xin phép cơ quan quản lý.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết so với các quy định trước đây, Thông tư 08/2017 có nhiều đổi mới. Thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn thì quy định mới sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ, vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng tiếp cận. Ngoài ra, DN phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường; đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

"Các DN vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về cả hai mặt là giá và chất lượng. Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa, từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn" - ông An nhận xét.


Doanh nghiệp kinh doanh sữa được chủ động về giá nhưng có sự kiểm soát của cơ quan quản lýẢnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp kinh doanh sữa được chủ động về giá nhưng có sự kiểm soát của cơ quan quản lýẢnh: TẤN THẠNH

Ông Mathew Garland, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nhận định cách tiếp cận của Thông tư 08 sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, đó là bảo đảm sự minh bạch của thị trường và lợi ích người tiêu dùng. Quy định này cũng tôn trọng quyền tự định giá của DN và nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế.

Trước băn khoăn về việc để DN tự đăng ký, kê khai giá, liệu có trường hợp gian lận, trục lợi, kê khai giá cao hơn thực tế, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các yếu tố hình thành giá phải hợp lý. Ngoài Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác như: Y tế, Hải quan... sẽ cùng phối hợp kiểm soát. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của bộ về DN, mức giá... để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát.

Giá sữa vẫn ổn định trước "giờ G"

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cơ sở kinh doanh sữa ở Hà Nội, thời điểm trước "giờ G", giá sữa không có sự thay đổi. Ông Nguyễn Hoàng Quân, chủ cửa hàng bán lẻ Minh Anh (quận Hai Bà Trưng), cho biết giá các sản phẩm sữa vẫn ổn định trong những ngày qua. Ông cũng chưa thấy nhân viên hãng sữa nào thông báo về việc điều chỉnh giá.

Tại một cửa hàng bán lẻ sữa khá lớn trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), nhân viên Nguyễn Hoài Vân cho biết ngoài sản phẩm sữa Friso có điều chỉnh nhẹ về giá từ 3 tháng trước thì giá các mặt hàng khác vẫn ổn định.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng chắc chắn người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi về việc liệu họ có được lợi qua thực hiện Thông tư 08 hay không. Đầu tiên là công khai, minh bạch giá sữa, không có chuyện tăng giá đột biến bởi Thông tư 08 đã quy định rõ việc đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đây là điểm khác biệt với cách quản lý trước đây, tránh tình trạng mỗi nơi phân phối bán lẻ một giá, thậm chí đội giá quá cao. Ngoài ra, hệ thống phân phối bán lẻ tăng giá cũng phải kê khai và chịu trách nhiệm.

"Thực tế, các nhà phân phối cũng không thể dám chắc các cơ sở bán lẻ có thực hiện việc báo cáo giá với ngành chức năng ở địa phương về việc điều chỉnh giá quá phạm vi cho phép hay không. Tuy nhiên, với công cụ này, chúng ta có quy định để xử lý những ai vi phạm" - ông Trung nhận định.

Trước ý kiến lo ngại giá mặt hàng sữa có thể "nhảy múa" khi hệ thống phân phối không được kiểm soát tốt, đại diện Bộ Công Thương cho rằng sản phẩm này là một ngành kinh doanh có điều kiện. Vì thế, việc nắm được đường đi của sản phẩm mình phân phối ra sao là trách nhiệm của DN.

"Vấn đề ở đây là DN tự quản lý hệ thống phân phối của mình, kiểm soát giá trong mạng lưới. Các cơ quan quản lý và lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như bảo đảm việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý" - đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.

Xử phạt đại lý vi phạm

Ông Nguyễn Lộc An cho biết nếu các đại lý phân phối không kê khai giá hoặc bán giá cao hơn mức khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá). Ngoài ra, mặc dù trả lại quyền quyết định giá trên thị trường cho DN nhưng cơ quan quản lý vẫn kiểm soát chặt chẽ để tránh những hành vi trục lợi, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo Thùy Dương - Ngọc Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên