MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành cá tra mang về gần 1,7 tỷ USD

07-01-2017 - 16:00 PM | Thị trường

Mặc dù năm 2016 cá tra gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ vẫn tăng trưởng so với năm 2015. Ước kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe (ảnh), Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Từ đây đến Tết Nguyên đán, tình hình XK cá tra ra sao thưa ông?

Mới đây Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng này.

Mặc dù gặp khó khăn nhưng ước tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Khoảng hơn 20 DN lớn chế biến, xuất khẩu cá tra chiếm 80% kim ngạch, nắm giữ khoảng 60% lượng nguyên liệu. Đến giờ này có thể đánh giá kế hoạch của năm nay không có gì biến động, từ đó có thể nhận định từ đây đến tết thì tình hình thị trường, xuất khẩu cá tra nói chung tương đối ổn định.

Bên cạnh đó một số vấn đề mới nổi lên, như vấn đề thị trường Trung Quốc, họ đang có nhu cầu nhập khẩu cá vào cuối năm âm lịch, nên nhu cầu sẽ tăng cao. Các DN lớn có ao nuôi riêng nên không lo thiếu nguyên liệu cá. Còn một số DN SX với quy mô nhỏ hoặc gia công, chế biến thường mua lượng nguyên liệu ở trong dân, nếu có cá thì họ sẽ mua, nếu không sẽ không có đủ để cung cấp, nhưng nói chung sẽ không xâm lấn vào các thị phần khác.

Từ đó tôi nhận định, tình hình chung từ nay đến hết năm âm lịch dù ngành cá tra có nhiều thông tin trái chiều nhưng về cơ bản là ổn định, bởi vì khả năng đáp ứng cũng như mức độ chủ động về nguồn nguyên liệu của các DN có xu hướng tăng dần.

Liên quan đến cơ cấu nguyên liệu, DN đang chiếm khoảng 70%, bên ngoài đáp ứng 30%. Những DN nuôi cá lớn bên ngoài sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định và tuân theo hợp đồng đã có giữa các bên. Từ cơ sở đó, việc người dân không nuôi và dẫn đến nguồn nguyên liệu trên thị trường thiếu thì chỉ thiếu ở nhóm nhỏ, không thiếu ở nhóm DN có nguồn nguyên liệu tự chủ.

Thị trường nào tiêu thụ mạnh cá tra nhất trong năm vừa qua, thưa ông?

Hiện nay Mỹ là thị trường tiêu thụ mạnh nhất cá tra Việt Nam, kế đến là thị trường Trung Quốc, đây là một trong những thị trường chính và cơ bản. Riêng thị trường Trung Quốc, mức độ tăng trưởng tốt, tuy nhiên phải xem xét kỹ cách làm ăn, làm sao để không trở thành khó khăn cho mình về hợp đồng mua bán, đưa ra một số giải pháp ràng buộc hai bên, các DN phải phải kiểm soát chặt chất lượng, không phụ thuộc vào việc phía Trung Quốc có hậu kiểm hay không.

Bản thân ngành cá tra, về người nuôi phải kiểm soát được giá thành và liên kết tiêu thụ. Nếu cứ nuôi ra rồi không biết bán cho ai được thì sẽ rất khó, trong khi nguồn cung dồi dào. Mặt khác muốn xuất khẩu ổn định thì DN phải khỏe, cơ cấu lại các nguồn lực, tập trung về mặt chiến lược để tránh rủi ro. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng, duy trì các thị trường truyền thống, tìm cách hạ giá thành và ổn định giá thành, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.


Ngành cá tra năm 2016 cán đích XK gần 1,7 tỷ USD

Ngành cá tra năm 2016 cán đích XK gần 1,7 tỷ USD

Con cá tra không còn lôi cuốn, thu hút người nuôi như trước đây nữa. Trước kia người nuôi ra có thể lãi vài ngàn đồng/kg, càng nuôi nhiều càng lời. Nhưng hiện tại nuôi nhiều thì dễ rủi ro, nhiều người nuôi nhỏ lẻ bên ngoài vẫn có thể nhắm đến các thị trường nội địa hoặc liên kết với các DN.

Sang năm 2017, ông có kiến nghị gì cho ngành cá tra ĐBSCL?

Để ngành cá tra đi vào ổn định cả về nuôi và xuất khẩu, trước hết các DN cần phải tái cơ cấu vốn liếng, tái cơ cấu SX và kế hoạch của mình. Với năng lực hiện nay của các nhà máy, cũng như các số liệu được cung cấp thì rõ ràng mức độ SX, tiêu thị cá tra đang ổn định, hay nói cách khác nếu nuôi ở mức độ 1 triệu tấn cá nguyên liệu trở lại thì có thể chấp nhận được.

Vấn đề còn lại thì nâng cao dần giá trị thông qua việc đầu tư vào con giống sạch, nguồn nước sạch, thức ăn và thuốc thú y thủy sản tuân thủ theo quy trình đạt tiêu chuẩn an toàn quốc tế…

Mặt khác phải kiểm soát được giá thành, trước lúc bắt đầu chu kỳ nuôi phải xác định được sẽ bỏ ra bao nhiêu vốn đầu tư để mua thức ăn, con giống... Và đương nhiên giá cả sẽ dao động theo thị trường. Đặc biệt, một số DN tự nuôi với số lượng lớn để phục vụ cho xuất khẩu, vì vậy sẽ phải tính trên cơ sở giá thành.

Đối với thị trường XK, tất nhiên sẽ có nhiều biến động, nếu nhiều người mua nhưng ít người bán thì giá sẽ lên. Đối với thị trường Trung Quốc, nếu muốn bán cá thì phải có kế hoạch sớm, không phải muốn là được, nếu thiếu tính toán sẽ không bền vững.

Xin cám ơn ông!

Theo Lê Hoàng Vũ

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên