MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chăn nuôi đang phát triển quá “nóng”

06-04-2017 - 14:53 PM | Thị trường

Hiện nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thị trường khiến giá các sản phẩm giảm mạnh. Điều này đang khiến các hộ chăn nuôi lâm rơi vào tình trạng thua lỗ.

Cung vượt quá cầu

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước đặc biệt là các sản phẩm như thịt, trứng đang có dấu hiệu dư thừa dẫn tới giá cả giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự phát triển quá nhanh của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, với sản lượng thức ăn chăn nuôi lên tới 5,02 triệu tấn (số liệu năm 2016), tính trung bình cứ 3 kg thức ăn chăn nuôi sản xuất được 1 kg thịt thì tổng cung lên tới gần 1,7 triệu tấn thịt. Tổng nhu cầu trong nước hiện tại không đạt đến mức đó. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị dư thừa.

Nhận định về nhu cầu trong nước, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, một tín hiệu tích cực trong năm nay là trong 2 tháng đầu năm số lượng NK tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều thấp hơn năm ngoái. Ví dụ, thịt lợn 2 tháng NK 1.667 tấn, thấp hơn năm ngoái 25%; thịt gà NK 14.970 tấn, thấp hơn năm ngoái 30%, thịt bò không xương 163 tấn, có xương 6.454 tấn, giảm hơn 25,2% so với năm ngoái.

Tuy tình trạng dư thừa nguồn cung và việc khó khăn trong khâu tiêu thụ lại xuất hiện do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua đã dẫn đến giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu trong những tháng đầu năm, người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Hiện tại, giá thịt lợn đang tăng dần trở lại dần tiệm cận với giá thành chăn nuôi (36.000 - 37.000 đồng/kg), do đó phần lớn người chăn nuôi chưa dám tăng đàn vào thời điểm này. Mặt khác tuy bị thua lỗ nhưng các hộ gia trại và trang trại vẫn cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ mới giảm đàn. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng dư thừa trong dân vẫn rất lớn.

Đối với gà công nghiệp lông trắng, vào thời điểm đầu năm giá giảm sâu do tăng đàn quá nhanh và Trung Quốc hạn chế nhập khẩu bởi e ngại dịch cúm A/H7N9, tuy nhiên từ cuối của tháng 3/2017, giá mặt hàng này đã có dấu hiệu hồi phục do không phải cạnh tranh với gà nhập khẩu từ Mỹ (do nước này đang có dịch cúm gia cầm).

Đề nghị ngừng cấp phép

Bàn về những giải pháp để khắc phục tình trạng rớt giá của các sản phẩm chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho rằng với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt, trứng, sữa trong nước đang vượt sức tiêu thụ trong nước, chúng ta phải hướng tới XK hoặc phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ lại, không những để giải quyết bài toán kinh tế mà tình trạng phát triển nóng này về lâu về dài còn liên quan tới môi trường.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng bằng nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là xúc tiến thương mại sẽ giải quyết được sản lượng thịt lợn dư thừa, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp hàng đầu hiện nay. Và trong lúc vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng XK bền vững, Cục Chăn nuôi đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương ngừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.

Theo ông Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, tăng quy mô. Theo ông, năng lực sản xuất so với giá thành của Việt Nam còn thế yếu so với các nước khác. Việt Nam tuy có sản lượng thịt lợn cao nhưng chi phí sản xuất lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh.

Hiện giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới như Mỹ, Brazil... Vì vậy, các doanh nghiệp có thị trường, có kiến thức quản lý và vốn phải là đầu tàu tạo ra liên kết sản xuất cho bà con nông dân, tạo thành tổ đội, liên minh HTX để giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo đầu ra, an toàn thực phẩm, môi trường...

Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những động thái nhằm “hãm bớt” lại tốc độ sản xuất lợn. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái. Đồng thời đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...

Tuy nhiên về lâu dài, ông Chinh cho biết cần đổi mới quy hoạch ngành chăn nuôi. Quan trọng là phải giám sát được quy hoạch, bởi nếu không giám sát được sẽ lại xảy ra tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết thêm, trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm có thế mạnh của hai nước. Hy vọng đây là hướng mở ra tạo thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Theo Xuân Thảo

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên