MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành du lịch “ngóng” chính sách dài hơi

Hiện nay có 3 vấn đề quan trọng mà du lịch Việt Nam cần ưu tiên, đó là quảng bá Việt Nam tới các thị trường trọng điểm; nới lỏng hơn nữa chính sách cấp thị thực và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Từ năm 2016 đến nay, trong bối cảnh nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng liên tục suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, thì lĩnh vực dịch vụ đã liên tục duy trì mức đóng góp cao nhất vào GDP và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Sự bật tăng mạnh mẽ của khu vực này có đóng góp không nhỏ của ngành du lịch cùng tác động lan toả mạnh mẽ nhất với tất cả các lĩnh vực khác trong khu vực dịch vụ như bán buôn bán lẻ, lưu trú và ăn uống, vận tải hành khách, tài chính - ngân hàng và bảo hiểm…

Khi du lịch trỗi dậy

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 7,2 triệu lượt người, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, ngành du lịch thực sự khởi sắc từ năm 2016 sau khi chính sách cấp thị thực (visa) được nới lỏng từ tháng 7/2015. Theo đó, Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha). Trong năm này, lần đầu tiên Việt Nam đạt mốc 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng tuyệt đối kỷ lục 2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các nguồn thu gián tiếp vào các ngành khác.


Nới lỏng chính sách đã ngay lập tức mang lại tăng trưởng cho ngành du lịch

Nới lỏng chính sách đã ngay lập tức mang lại tăng trưởng cho ngành du lịch

Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng số lượt khách từ 5 quốc gia này tăng trung bình 15,4% trong vòng 12 tháng kể từ khi chính sách miễn thị thực được ban hành. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Bên cạnh đó, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến từ các thị trường này cao gấp đôi chi tiêu trực tiếp và gián tiếp của khách du lịch đến từ các thị trường gần, ước tính khoảng 1.316 USD/ khách.

Nhờ đó, trong năm 2016, lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm tới 87.000 lượt, mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, với thị trường xa, đó là mức tăng trưởng rất lớn vì những thị trường này tăng không dễ như những thị trường gần. Số lượng du khách từ các thị trường này tuy không đông như những du khách ở khu vực gần nhưng thời gian lưu trú dài ngày (ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng) và mức chi tiêu cao, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác.

Cú hích đánh thứctiềm năng

Mặc dù ngành du lịch đang khởi sắc mạnh mẽ, song theo ông Nguyễn Văn Tuấn, mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 với 18-20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp cho GDP hơn 10% rất cần các chính sách đồng bộ và dài hơi.

Ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh khuyến nghị, hiện nay có 3 vấn đề quan trọng mà du lịch Việt Nam cần ưu tiên, đó là quảng bá Việt Nam tới các thị trường trọng điểm; nới lỏng hơn nữa chính sách cấp thị thực; và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Ông Kiên cho rằng, chính sách về thị thực nếu được tiếp tục tháo gỡ sẽ tạo ra sự đột phá cho du lịch Việt Nam. Vì vậy, ngay từ lúc này cần đặt ra tính toán nếu Việt Nam miễn thị có tác động như thế nào với nền kinh tế, cũng như DN cần làm gì. “Cần đánh giá cụ thể về các tác động của chính sách này trước khi trình lên Thủ tướng kiến nghị tháo gỡ, sửa đổi để có chính sách dài hơi thay vì chỉ áp dụng thí điểm như hiện nay”, ông Kiên nói.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị, chúng ta đã chọn các thị trường tập trung để thu hút khách quốc tế có mức chi trả cao khi tới Việt Nam, đó là châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc – New Zealand. Vậy khâu quảng bá sẽ phải tập trung vào các thị trường mục tiêu này, chính sách visa cũng sẽ tập trung cho thị trường này và kéo theo các vấn đề an toàn, chất lượng du lịch, sự thân thiện của điểm đến cũng sẽ hướng tới nhóm khách mục tiêu.

Nhận định rằng các DN du lịch chỉ còn chờ chính sách mở ra để tính chuyện đi đường dài, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel phân tích, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ mang về khoảng 35 tỷ USD/năm, cùng với 2 triệu việc làm, vì vậy đầu tư của Chính phủ phải tương xứng mới đánh thức được tiềm năng phát triển của ngành này. Theo ông Kỳ, Chính phủ cần đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc tế, xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; xúc tiến mở rộng thị trường; nới lỏng cấp visa. Và các chính sách khi đã đưa ra là phải ổn định, lâu dài. “Hiện nay chúng ta mới miễn thị thực cho một số quốc gia trong vòng 1 năm, trong khi đáng ra phải cam kết từ 2-3 năm mới đủ dài và ổn định để các DN du lịch tính toán bán tour”, ông Kỳ phân trần.

Cũng vì chính sách còn chưa ổn định và lâu dài nên khả năng phát triển của DN du lịch hiện nay còn hạn chế. Theo các DN trong ngành, tình hình phát triển hiện nay còn manh mún, chính sách chưa thực sự có những ưu đãi về thuế, tài chính, vốn… nên lợi nhuận mang lại còn hạn chế, chưa tạo ra tích lũy để DN lớn lên. Những điểm nghẽn này rất cần sớm tháo gỡ để ngành du lịch tận dụng bệ đỡ chính sách nhằm mở rộng đầu tư, sớm mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế.

http://thoibaonganhang.vn/nganh-du-lich-ngong-chinh-sach-dai-hoi-66095.html

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên