MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành dược nửa năm nhìn lại: Chưa đột phá về sản phẩm, biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh

06-08-2018 - 07:10 AM | Doanh nghiệp

Trong một ngành dù năng động song tính ổn định khá cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất dược theo đó bị kéo lùi tương đối mạnh sau nửa đầu năm.

Nếu ngay từ đầu năm 2018, nhiều đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như chuyên gia dự báo ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm, thậm chí trong dài hạn. Bởi, đối với một nước có dân số trẻ, đang phát triển, môi trường nhiều ô nhiễm dẫn đến các loại bệnh tật gia tăng như Việt Nam thì ngành dược được đánh giá có triển vọng khá tích cực. Chưa kể, hiện chi phí thuốc bình quân/người của Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 USD/người/năm; thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines (45 USD/người/năm); Thái Lan (60 USD/người/năm); Trung Quốc (64 USD/người/năm); Malaysia (66 USD/người/năm), dư địa theo đó còn rất nhiều.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp có sản xuất, Luật Dược sửa đổi còn được đánh giá sẽ trở thành đòn bẩy cho sản xuất nội địa. Được biết, Luật Dược sửa đổi bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2017, mang đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dược, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà máy đạt chuẩn PIC/S và GMP-EU khi các điều khoản đều theo hướng tạo điều kiện phát triển thuốc nội địa, nhất là trong bối cảnh thuốc sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu tiêu thụ. Đón đầu đà hỗ trợ trên, thống kê cho thấy trọng tâm kế hoạch của nhóm sản xuất như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Dược phẩm Trung Ương 3… đều tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, đứng đầu trong tổng ngân sách chi tiêu cho năm.

Tuy nhiên, đến nay đã đi qua nửa chặng đường, nhìn lại mặc dù vẫn tạo ra lợi nhuận, song thị trường dược vẫn chưa có nhiều sản phẩm mới mang tính đột phá. Và trong một ngành dù năng động song tính ổn định khá cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất dược theo đó bị kéo lùi tương đối mạnh sau nửa đầu năm.

Biên lợi nhuận gộp trung bình giảm hơn 8%

Theo ghi nhận, có đến 7/9 số đơn vị niêm yết tham gia sản xuất dược phẩm ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Trong đó, đứng đầu đà giảm là Dược Cửu Long (DCL) giảm hơn 19%, từ mức biên 33% quý 2/2017 về chỉ còn 26%. Tiếp đến là Traphaco ghi nhận giảm 12% về mức biên lãi gộp 51%, tương đương có Domesco cũng giảm gần 12% biên lãi, ngoài ra ghi nhận giảm còn có Pymepharco (PME), Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm OPC (OPC) giảm biên với tỷ lệ điều chỉnh trung bình lên đến 5%.

Riêng hai đơn vị ghi nhận tăng lợi nhuận biên, bao gồm Dược phẩm Trung ương 3 tăng 25% và CTCP S.P.M (SPM) tăng những 28% biên.

Ngành dược nửa năm nhìn lại: Chưa đột phá về sản phẩm, biên lợi nhuận gộp nhóm sản xuất đang sụt giảm mạnh - Ảnh 1.

Trong đó, Dược phẩm Trung ương 3 vừa kết thúc quý 2/ 2018 với mức lãi kỷ lục trong lịch sử, doanh thu thuần đạt 109,5 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm nên lợi nhuận gộp thu về đạt 75,3 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí tài chính giảm 1 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm tới hơn 6 tỷ đồng, chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp là tăng lên 3,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, Công ty thu về 34,3 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước và bằng 90% lợi nhuận cả năm 2017.

Còn với SPM, trong quý 2 Công ty đã tiến hành cấu trúc danh mục sản phẩm, chỉ tập trung các sản phẩm có tỷ suất sinh lợi cao. Nên mặc dù doanh thu trong kỳ giảm hơn 30%, biên lợi nhuận thu về vẫn đi ngang cùng kỳ, trong khi biên lợi nhuận lại ghi nhận tăng đột biến hơn 28%.

Nhìn chung, tổng kết nửa năm ngành dược chưa có nhiều đột biến so với cùng kỳ cũng như cuối năm ngoái, hiểu nôm na chưa đạt được kỳ vọng ban đầu. Biên lợi nhuận nhóm sản xuất giảm trung bình hơn 8%.

Những ông lớn giảm lãi vì gánh nặng chi phí

Trở lại với bức tranh kinh doanh nửa đầu năm, đa số các đơn vị đều giữ vững mức lãi mặc dù tỷ lệ tăng trưởng không quá cao. Bên cạnh Dược Trung Ương 3 ghi nhận đột biến, tăng trưởng trong kỳ còn có Dược phẩm OPC, Imexpharm, Domesco, Pymepharco.

Ngược lại, một số ông lớn như Dược Hậu Giang, Traphaco, Dược Cửu Long… lại ghi nhận giảm lãi lũy kế 6 tháng do gánh nặng chi phí.

Chi tiết, tại Dược Hậu Giang, quý 2 chi phí bán hàng tăng 31 tỷ, chủ yếu gia tăng chi phí quảng cáo từ gần 20 tỷ đồng quý 2 năm ngoái lên 36,4 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí trả cho nhân viên cũng tăng 11 tỷ đồng. Kết quả, quý 2 Công ty đạt 190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do chi phí thuế tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 138,8 tỷ đồng, giảm 25% so với quý 2/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt 1.841 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 1.808 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái và thực hiện được 42% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 360,7 tỷ đồng, hoàn thành 44% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 310 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm ngoái.

Dược Cửu Long cũng có giải trình về tình hình điều chỉnh lãi ròng so với cùng kỳ như sau, chi phí bán hàng tăng vì đẩy mạnh xây dựng hệ thống, mở rộng thị trường; chi phí tài chính tăng mạnh do Công ty phải ghi nhận chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi, đồng thời giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng khiến Công ty giảm lãi so với cùng kỳ.

Hay Traphaco, chi phí giá vốn tăng cao, chi phí lãi vay cũng tăng từ mức 800 triệu lên gần 3 tỷ đồng, cùng với mức tăng đáng kể từ chi phí quản lý, bán hàng khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn một nửa còn 21 tỷ. Nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ mức 118 tỷ về chỉ còn 62 tỷ đồng.

Ngành dược nửa năm nhìn lại: Chưa đột phá về sản phẩm, biên lợi nhuận gộp nhóm sản xuất đang sụt giảm mạnh - Ảnh 2.

Tổng hợp KQKD các doanh nghiệp sản xuất dược niêm yết nửa đầu năm 2018.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên