MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành hàng nào sẽ thống lĩnh thị trường M&A năm 2018?

Thương vụ Sabeco hôm qua, ông Seek Yee Chung, công ty Baker&McKenzie không bình luận về cơ hội hay sự minh bạch. Ông gọi đó là ví dụ điển hình về việc Chính phủ thực hiện cam kết thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A, ngày 19/12.

Thời gian vừa qua, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đã liên tục tăng trưởng và đạt mức kỷ lục 5,8 tỷ USD năm 2016, tăng gần 12% so với năm 2015, cùng với việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực tế, thị trường đã đánh dấu nhiều thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài có thể kể đến như tập đoàn SCG và công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, tập đoàn CJ và công ty Cầu Tre, hay mới đây là thương vụ tại Sabeco do ThaiBev đứng đằng sau.

“Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Seek Yee Chung, công ty Baker&McKenzie cho biết.

Những lý do ông Chung đưa ra là rất quen thuộc như: chính trị ổn định, tiềm năng dân số trẻ, nhiều tài nguyên. Bên cạnh đó, khung pháp lý của Việt Nam đã khá toàn diện với những quy định không quá cứng nhắc, có sự minh bạch đáng kể khiến các doanh nghiệp ngoại muốn “cân nhắc” đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó TGĐ Công ty AVM Việt Nam cho biết giá trị các thương vụ M&A Việt Nam trên bản đồ khu vực ASEAN là đáng ghi nhận bởi đây là thị trường mới.

Nhìn lại, 5 lĩnh vực nổi trội trong thị trường M&A năm 2016 xếp lần lượt là hàng tiêu dùng và bán lẻ (2,5 tỷ USD), công nghiệp (1,1 tỷ USD), bất động sản (0,6 tỷ USD), viễn thông (0,5 tỷ USD), tài chính (0,4 tỷ USD).

Theo đó, tiêu dùng và bán lẻ vẫn dẫn đầu về số lượng, giá trị thương vụ. Trong khi đó, M&A trong lĩnh vực tài chính lại “trầm lặng” do thiếu vắng các thương vụ lớn so với năm trước đó. Dù vậy, ông Việt không giấu kỳ vọng việc tái cấu trúc ngân hàng trong năm tới sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này.

Thị trường M&A trong nước hiện đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng đồng thời là các quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản, trước mỗi thương vụ, đều tỏ thái độ khá thận trọng, tìm hiểu rất kỹ lưỡng mỗi khi quyết định mua bán, sáp nhập. Cũng theo thống kê, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm 77% các thương vụ M&A lớn.

“Cuộc đua mới đã bắt đầu”, ông Việt nói và cho biết điều này diễn ra ngày một “nóng” lên hơn ở các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, thậm chí là với các startup.

Đối với năm 2018, đại diện AVM cho rằng lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ, bất động sản và công nghiệp sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư hứng thú.

Khu vực tư nhân trong năm mới cũng được kỳ vọng sẽ trỗi dậy với số lượng và chất lượng tốt hơn. Đồng thời, khu vực này sẽ chủ động trong việc “bán mình” thay vì chờ nhà đầu tư đến đặt vấn đề.

Về thoái vốn ở DNNN và ngân hàng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, trong đó, thị trường hoá được các khoản nợ, khiến cho nợ xấu giảm đi.

Cũng bởi yếu tố văn hoá tương đồng, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư lớn trong M&A chủ yếu vẫn đến từ châu Á, tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng về các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ.

Cuối cùng là sự nổi lên của lĩnh vực công nghệ số với những “kỳ lân” tương tự Uber, Grab sẽ xuất hiện ở Việt Nam.

“Với điều kiện về thị trường như bây giờ, tôi tin là sẽ có những sự tăng trưởng bền vững và thực chất hơn”, ông Nguyễn Quốc Việt nói.

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên