MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nào đang hấp thụ nguồn vốn tín dụng nhiều nhất?

25-05-2017 - 09:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng tăng trưởng nhanh từ đầu năm được xem là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nguồn vốn tín dụng được phân bổ chủ yếu cho những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như xuất nhập khẩu hay bất động sản…đã khiến cho GDP chỉ tăng 5,1% trong qúy 1/2017.

Tín dụng đang tăng trưởng kỷ lục

Theo số liệu của NHNN tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ trong tháng 4/2017, tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 20/4/2017 tăng trưởng 4,86% so cuối năm 2016. Ngay sau đó, trong cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 17/5/2017, Thống đốc NHNN cho biết tín dụng của toàn hệ thống tính đến hết ngày 28/4/2017 tăng 5,76% so với đầu năm 2017. Trong đó, tín dụng bằng VND và ngoại tệ lần lượt tăng 5,87% và 4,64%.

Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Như vậy, chỉ trong vòng 8 ngày, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng 0,9%.

Theo các chuyên gia kinh tế thì tín dụng tăng trưởng nhanh ngay từ đầu năm là một tín hiệu tích cực bởi nó sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi GDP trong quý 1/2017 chỉ tăng 5,1%, mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Do đặc thù là một nước đang phát triển nên tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Do vậy, một câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là tín dụng đang được phân bổ chủ yếu vào lĩnh vực nào của nền kinh tế?

Đâu là động lực thúc đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh?

Tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi GDP lại tăng trưởng thấp, về mặt lý thuyết kinh tế thì hai chỉ số này có mối quan hệ chặt chẽ và cùng chiều với nhau. Kết quả này phần nào cho thấy có thể tín dụng đang được phân bổ phần lớn vào những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng thấp.

Đó có thể là các doanh nghiệp thương mại, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng cuối cùng. Con số thâm hụt thương mại lên tới 3,1 tỷ USD chỉ trong 4,5 tháng đầu năm phần nào lý giải cho nhân định trên. Hàng tiêu dùng được nhập khẩu và được phân phối lại cho người người dân gần như sẽ không đóng góp nhiều vào GDP. Con số thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày tăng nhanh theo thời gian là một tín hiệu rõ ràng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản có lẽ cũng đang hấp thụ nguồn vốn tín dụng rất lớn từ các ngân hàng. Thị trường đang có những chuyển biến rất tích cực về cơ cấu nguồn cung, tăng tỷ trọng phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, giảm dần tỷ trọng phân khúc cao cấp cùng với con số tăng trưởng cho vay mua bất động sản lên tới gần 40% trong năm 2016 nhiều khả năng vẫn giữ được nhiệp độ trong năm 2017… được xem là những cơ sở để chứng minh cho nhận định trên.

Tuy nhiên, cũng cần có những cái nhìn chính xác hơn về con số tăng trưởng tín dụng

Theo số liệu phản ánh từ các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 2,18% chỉ riêng trong tháng 1/2017. Con số này được xem là bất thường nếu so sánh với diễn biến mang tính chất chu kỳ trong nhiều năm qua.

Theo đó, các ngân hàng thường có xu hướng chạy kế hoạch tín dụng vào tháng 12 (tăng trưởng không thực chất thông qua các hợp đồng vay có kỳ hạn rất ngắn, từ 1 đến 2 tuần), sau đó giảm mạnh trong tháng 1 của năm tài chính tiếp theo.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cho biết NHNN đã kiên quyết không cho các ngân hàng được phép vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được giao từ đầu năm. Do đó, một số ngân hàng đã thỏa thuận với các khách hàng về việc tất toán trước thời điểm ngày 31/12 và sau đó lại tiếp tục giải ngân sau ngày 1/1.

Một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong quý 1/2017 nhiều khả năng đã phải giải quyết như vậy, điển hình như ACB 8,6%, Vietcombank 8,5%, Vietinbank 5,4% hay VIB 5%... Do vậy, con số tăng trưởng tín dụng thực chất của toàn hệ thống có thể sẽ thấp hơn, tuy nhiên vẫn được xem là cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm.

Ngọc Khanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên