MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành vận tải biển triền miên thua lỗ, giá cổ phiếu chìm sâu

16-02-2017 - 09:06 AM | Doanh nghiệp

8/9 cổ phiếu vận tải biển đăng ký giao dịch trên UPCoM nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư do các doanh nghiệp này đều có vốn chủ sở hữu không dương tại ngày 31/12/2016 hoặc 30/6/2016.

Theo thống kê của NDH, trong số 15 cổ phiếu hoạt động trong ngành vận tải biển thì có chỉ có 6 cổ phiếu đang niêm yết trên hai sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX), trong khi có 9 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Đáng chú ý, trong số 9 cổ phiếu vận tải biển đăng ký giao dịch trên UPCoM thì có 8 cổ phiếu nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư và lý do là bởi các doanh nghiệp này đều có vốn chủ sở hữu không dương tại ngày 31/12/2016 hoặc 30/6/2016, thậm chí, cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải đã bị tạm ngừng giao dịch từ 6/4/2016 do vi phạm nghiêm trong nghĩa vụ CBTT và để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

VFC của Công ty Cổ phần VINAFCO là cổ phiếu duy nhất trong số 9 doanh nghiệp vận tải biển đăng ký giao dịch trên UPCoM không nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải biển trên thị trường chứng khoán Việt Nam hầu hết đều ở dưới mệnh giá, duy nhất chỉ có VFR của Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu có mức giá khá cao là 18.600 đồng/CP, trong khi đó, cổ phiếu NOS của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc chỉ còn dưới 1.000 đồng.

Việc giá cổ phiếu ngành vận tải biển luôn duy trì ở mức rất thấp cũng không qúa khó hiểu do thị trường hàng hải khó khăn khiến hầu hết doanh nghiệp này luôn ở trong tình trạng thua lỗ nặng nề.

Trong số 10 doanh nghiệp vận tải biển đã công bố BCTC quý IV/2016 thì có tới 7 doanh nghiệp thông báo lỗ và chỉ có 3 doanh nghiệp báo lãi đó là VIP của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu VIPCO, VTO của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu VITACO và VFC, tuy nhiên mức lợi nhuận này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, VIP lãi chỉ hơn 1,3 tỷ đồng (giảm 95%), VFC lãi 2,7 tỷ đồng (giảm 56%) và VTO là 13,6 tỷ đồng (giảm 45%).

Trong khi đó, VOS của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam là doanh nghiệp lỗ nặng nề nhất với hơn 122 tỷ đồng, cùng kỳ, doanh nghiệp này vẫn lãi tới hơn 21,2 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2016 có 6 doanh nghiệp ghi lợi nhuận âm đó là VOS, NOS, VST, DDM, VNA và VFR, trong đó, VOS vẫn là doanh nghiệp có khoản lỗ 'khủng' nhất, lên tới hơn 359 tỷ đồng. Tương tự, NOS cũng không 'kém cạnh' với khoản lỗ trên 334 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VNA mới đây đã bị HOSE lưu ý có thể bị hủy niêm yết do tổng số lỗ lũy kế của công ty đã vượt quá vốn điều lệ thực góp. Cụ thể, tính đến 31/12/2016, vốn điều lệ thực góp của công ty là 200 tỷ đồng, trong khi công ty lỗ lũy kế lên tới 205 tỷ đồng.

Như vậy, 2016 có thể nói là một năm tối tăm đối với các doanh nghiệp ngành vận tải biển. Đầu năm 2016, chỉ số BDI tiếp tục xu hướng giảm, xuống 290 điểm vào ngày 10/2. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số BHSI phản ánh trực tiếp giá cước của dòng tàu Handysize giảm còn 183 điểm vào ngày 12/2. Chỉ số BHSI bình quân quý I/2016 ước khoảng 229 điểm, giảm 28,1% so với quý IV/2015. Mức cước tại thị trường khu vực Thái Bình Dương giảm còn khoảng 3,2 USD/tấn cho một chuyến hành trình từ khu vực Tây Úc đến Trung Quốc, đây là mức cước thấp nhất kể từ tháng 11/2001.

Mặc dù chỉ số BDI đã có sự hồi phục trở lại ngay sau đó và có lúc đạt hơn 1.200 điểm vào khoảng tháng 11/2016, tuy nhiên chỉ số này đã tụt trở lại và hiện tại chỉ còn ở mức 685 điểm (14/2/2017) điều này tiếp tục cho thấy những khó khăn mà ngành vận tải biển trong nước sẽ phải đối mặt.

Mới đây, Moody vẫn giữ triển vọng tiêu cực đối với ngành vận tải biển toàn cầu trong năm 2017 chủ yếu là do sự dư thừa nguồn cung liên tục của tàu và giảm 7-10% thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và khấu trừ. Các công ty vận tải biển container sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thừa cung, và lợi nhuận có thể được đặt dưới áp lực nhiều hơn nếu giá nhiên liệu tăng.

Theo Bình An

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên