MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành xi măng dư công suất: Các doanh nghiệp đối mặt nhiều rủi cao khi đặt cược vào xuất khẩu

16-08-2017 - 15:37 PM | Doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng. Tuy nhiên tình trạng cung luôn vượt cầu đang gây ra nhiều nỗi lo cho ngành xi măng.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, lượng sản xuất xi măng trong nước năm 2016 ước tính đạt 60.41 triệu tấn, trong đó tổng lượng tiêu thụ đạt 74.6 triệu tấn, tiêu thụ nội địa đạt 59.9 triệu tấn, tăng 6.02% so với cùng kì 2015. Tuy nhiên, các nhà máy trên toàn quốc vẫn không thể hoạt động hết công suất thiết kế do cung vẫn vượt cầu.

Tình trạng cung – cầu chênh lệch khiến xuất khẩu là giải pháp tối ưu nhất cho ngành xi măng hiện tại. Tuy nhiên xuất khẩu xi măng trong thời gian tới dự báo sẽ khó khăn hơn do sức ép từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc và những chính sách thuế mới của Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể, tại Thái Lan, công suất của 11 nhà máy chỉ đạt mức 46,7 triệu tấn/năm nhưng lại dùng ¾ tổng sản lượng phục vụ cho xuất khẩu. Thêm vào đó, Thái Lan đã có truyền thống về xuất khẩu xi măng trong khi xi măng Việt Nam chỉ mới bước vào thị trường quốc tế từ năm 2010. Áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc cũng không nhỏ khi lượng dư thừa lớn mà giá xuất khẩu lại thấp.


Các nhà máy xi măng vẫn không thể hoạt động hết công suất. Nguồn: VIRAC, VNCA

Các nhà máy xi măng vẫn không thể hoạt động hết công suất. Nguồn: VIRAC, VNCA

Theo VIRAC, với tổng sản lượng lên tới 2.5 tỷ tấn xi măng, chiếm 60% sản lượng xi măng toàn cầu, giá chào xuất khẩu rẻ hơn từ 3 – 4 USD/tấn, lại ở ngay sát Việt Nam, sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt trong việc cạnh tranh để giữ khách hàng. Đó còn chưa kể đến nhu cầu xây dựng tại một số quốc gia lại giảm, các đối tác ép giá xuất khẩu. Những doanh nghiệp xuất khẩu xi măng giữ được giá bán là do ký hợp đồng dài hạn, trái lại những hợp đồng xuất khẩu ngắn hạn phần lớn đều bị giảm giá.

Bên cạnh đó, việc ra đời 2 nghị định số 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP về việc không khấu trừ thuế GTGT đầu vào và chịu thuế xuất khẩu 5% đối với ngành xi măng sẽ gây tác động mạnh đến sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của các đơn vị sản xuất. Cụ thể, chi phí xuất khẩu của các Công ty xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4.5 USD/tấn clinker và tăng 7.5 USD/tấn xi măng. Giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam khi đó sẽ rất khó có thể cạnh tranh với các nước có thế mạnh về xuất khẩu xi măng trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... thậm chí ngay cả Iran đang xuất khẩu với mức giá rất thấp.


Sức ép từ Trung Quốc và Thái Lan khiến xuất khẩu xi măng Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nguồn: VIRAC, VNCA

Sức ép từ Trung Quốc và Thái Lan khiến xuất khẩu xi măng Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nguồn: VIRAC, VNCA

Nhận thức được những khó khăn trong xuất khẩu, một số doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng khốc liệt không kém xuất khẩu. Trong thời gian sắp tới, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt về tranh giành thị phần giữa các nhà sản xuất.

Dây chuyền mới của Tập đoàn Xi măng The Vissai và Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư với sản lượng xi măng lớn, nằm ngay cạnh nhau trên cùng một địa bàn, chưa kể đến một loạt các công ty khác đang vận hành. Tập đoàn Xi măng The Vissai cũng sẽ dành 50% tổng sản lượng cho tiêu thụ nội địa. Nếu tình hình xuất khẩu không tốt thì việc cạnh tranh không lành mạnh, phá giá lẫn nhau sẽ rất dễ xảy ra.

Với giá xuất khẩu ngày càng xuống thấp, cùng sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Ngành xi măng Việt Nam đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, phải đối nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh sản xuất và quy hoạch để không gia tăng áp lực cho cung cầu. Cùng với đó, việc chủ động tìm thêm thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng là rất cần thiết.

Vân Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên