MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngập việc nhưng không mất "thần thái": Đừng để căng thẳng khiến bạn gục ngã, hãy biến nó thành công cụ để kiểm soát công việc

17-01-2019 - 11:06 AM | Sống

Bất kỳ ai đi làm có lẽ cũng từng trải qua cảm giác "ngập đầu trong công việc". Căng thẳng, sức ép dồn dập khiến bạn như muốn gục ngã. Nhưng đó là khi bạn chưa biết tới những bí quyết giúp bạn bình tĩnh và kiểm soát mọi việc dưới đây.

Cách để sống sót khi danh sách công việc không hề ngớt nhưng ngày thì vẫn chỉ kéo dài 24 tiếng thật sự không khó như bạn nghĩ. Than Thở – một trong những cô bạn thời đại học của tôi có thói quen nhắn tin than ngắn thở dài qua Facebook sau giờ làm việc: "Trời ơi, tôi sắp bị lụt việc chết đến nơi rồi, cậu làm gì cứu tôi đi chứ?"

Khi có quá nhiều thứ phải lo toan, bạn hãy sử dụng đó như một cơ hội để thực hành việc kiểm soát sự bình yên trong tâm hồn mình. Chỉ cần dành 5-10 giây để quan sát những thứ xung quanh, uống một ly nước mát, suy nghĩ xem bạn đang cần phải làm gì và điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới, làm từng việc từng việc một, bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi đống "bùi nhùi" của mình.

Đừng xem stress là cảm xúc như đang sống dưới địa ngục, hãy để stress là một "giáo viên" dạy bạn cách bình tĩnh và sáng suốt. Bạn sẽ có thể xử lý việc gì sớm nhất, bạn sẽ cần phải nhờ đến sự trợ giúp của ai khi làm công việc này, nhận thức điểm mạnh – điểm yếu của bạn để biết cách lên kế hoạch phù hợp.

Ngập việc nhưng không mất thần thái: Đừng để căng thẳng khiến bạn gục ngã, hãy biến nó thành công cụ để kiểm soát công việc - Ảnh 1.

Tập trung làm từng việc một - từ việc quan trọng nhất đến việc nhỏ

Dù là 20 việc hay 100 việc, bạn không thể làm tất cả cùng một lúc. Dẫu bạn có giỏi đến đâu, việc lo toan quá nhiều thứ cùng lúc chỉ khiến bạn bị "tẩu hỏa nhập ma". Chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất và làm các việc khác xếp theo thứ tự quan trọng từ nhiều đến ít, sau đó tick vào những phần việc đã hoàn thành là bạn đã và đang đẩy bớt gánh nặng cho mình. 

Bạn có thể ủy thác, có thể loại bỏ, có thể trì hoãn nhưng nhất quyết chỉ làm một việc trong một khoảng thời gian ngắn, nên ưu tiên những việc quan trọng.

Hãy đối mặt, chỉ khi làm những việc lớn và quan trọng hơn trong danh sách việc cần làm, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và xử lý gọn hơn những việc nhỏ.

Hiểu rõ mục đích khi làm bất cứ việc gì

Hãy tự hỏi bản thân rằng việc này có ý nghĩa gì, làm cho ai, tạo ra hiệu quả thế nào, tại sao bạn phải làm công việc này. Hãy "đắm mình" trong công việc và thực sự chuyên tâm vào nó. Một khi bạn đã hiểu thấu được nguyên lý của sự tập trung và mục đích của công việc, bạn sẽ hoàn tất chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Một trong những sai lầm lớn nhất của tuổi trẻ chính là sống theo châm ngôn "Cứ làm đi, đừng suy nghĩ" để rồi không thể quay đầu lại.

Giữa quá nhiều công việc và nhiều đầu mối làm việc sẽ khiến bạn luôn luôn trong tình trạng phải chạy đua. Bạn thấy đó, cuộc sống vốn dĩ không phải là giải đấu marathon mà là một con đường dài. 

Biết cố gắng, biết ngơi nghỉ, biết đâu là điều mình có thể làm và đâu là điều mình cần nhờ sự hỗ trợ của người khác, bạn mới có thể hoàn tất mọi việc mà không phải đối diện với một cơ thể rệu rã. Có thể bạn không hoàn hảo, nhưng bạn luôn phát huy tốt sở trường của bạn và tìm hiểu, khám phá chúng mỗi ngày.

Đó, đã là một thành công…

Đừng xem stress là cảm xúc như đang sống dưới địa ngục, hãy để stress là một "giáo viên" dạy bạn cách bình tĩnh và sáng suốt.

* Trích từ cuốn sách "Trưởng thành lấy đi điều gì?", tác giả Gari.

Gari

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên