MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày 90 triệu người Việt được ăn sạch đã không còn xa!

22-12-2016 - 08:00 AM | Thị trường

Chưa khi nào lĩnh vực thực phẩm sạch Việt Nam lại đón nhận những thông tin "gây ngạc nhiên" đầy lạc quan như vậy.

1. Trần Bá Dương, ông chủ của Trường Hải, đơn vị đứng số 1 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2016, vừa chính thức cam kết làm lúa sạch bằng công nghệ cao.

Vài năm qua, Trường Hải, với sự phát triển thần kỳ bằng hướng đi đúng: Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đã vượt lên trở thành Vua ô tô tại Việt Nam.

Ô tô và lúa gạo dường như không liên quan tới nhau, cho đến khi ông chủ Trường Hải (công ty có doanh thu 2016 dự kiến hơn 71.000 tỉ đồng) dự kiến cho ra đời một dây chuyền sơ chế lúa gạo sau thu hoạch hiện đại bậc nhất.

Khi một nhà công nghiệp dùng khả năng quản trị khoa học và tư duy vượt trội để quản trị nông nghiệp thì không chỉ hướng đạo cho nông nghiệp Việt Nam một lối đi mới, mà còn góp phần mang tới những bát cơm an toàn cho hàng triệu gia đình.

2. Doanh nhân Vũ Văn Tiền, người từ trước đến nay chỉ đầu tư kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản, xi măng, nhiệt điện, giấy, thương mại, cảng biển, công nghệ, giao thông..., bỗng một ngày đẹp trời, cũng nhảy vào nông nghiệp sạch.

Trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các quan chức cấp cao có mặt tại "Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN", ông Tiền xác nhận sẽ đầu tư nông nghiệp.

Doanh nhân này cảnh báo: "Nếu chúng ta không làm nông nghiệp sạch ngay bây giờ, 5-10 năm nữa chúng ta sẽ chết hết vì đại dịch ung thư".

Với tổng tài sản lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, lại có kinh nghiệm quản trị đa ngành, đại gia không xài đồ hiệu, xe sang, có biệt danh "Tiền còi" này cũng đang được hy vọng sẽ làm nên những điều không nhỏ trong nông nghiệp sạch.

3. Khi FPT quyết định bán sữa Vinamilk trong nhiều cửa hàng của mình, người ta chỉ nghĩ đơn giản: Một cách làm lạ và hiệu quả về thương hiệu cho cả hai bên.

Nhưng khi ông Bình thành lập CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) và làm chủ tịch của CLB này, thì giới quan sát mới nhận thấy chủ tịch FPT Trương Gia Bình không thể đứng bên rìa của lĩnh vực thực phẩm.

Nhu cầu về thực phẩm sạch ở Việt Nam có thể nói, còn thiết yếu hơn cả nhu cầu điện thoại di động, máy tính, dù người Việt sính iPhone, Samsung bậc nhất thế giới.

CLB mà ông Bình đứng đầu vừa được thành lập nhưng đã quy tụ được hơn 200 doanh nghiệp.

Tham vọng của DAA là phố biến công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quan trọng hơn, xây dựng được những tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, có đủ cả phòng thí nghiệm đến các dây chuyền trồng trọt, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

Nếu tổ hợp này thành công, nó sẽ là cú đấm thép "có thể tạo bước ngoặt lớn trong nông nghiệp Việt Nam" như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và rút ngắn con đường mơ ước "bao giờ nông dân Việt Nam sẽ giàu như nông dân Bắc Âu" của ông Bình.

Trước khi ông Bình kết duyên với nông nghiệp công nghệ cao, đối thủ số 1 của ông trong mảng bán lẻ điện máy, CEO của ngôi sao đang lên Thế giới di động, doanh nhân Nguyễn Đức Tài, cũng đã tuyên bố làm cuộc cách mạng xanh trong các siêu thị của mình: Bày bán thực phẩm bên cạnh điện máy.

Trước đó vài năm, đại gia sắt thép Hoà Phát và đại gia chứng khoán SSI cũng đã bước một chân vào lĩnh vực thực phẩm sạch.

4. Khi Vingroup bắt tay vào làm rau sạch, gạo sạch, các bộ phận thị trường lên dự kiến giá bán trình ông Phạm Nhật Vượng. Ông Vượng đã cho người đi khảo sát giá rau củ ở hàng loạt chợ cóc.

Dù giá thành làm rau an toàn rất cao nhưng ông Vượng quyết định: Giá bán rau an toàn VinEco chỉ tương đương với giá rau trôi nổi trên thị trường. Giai đoạn này, Vingroup chưa tính chuyện có lãi vì thực phẩm sạch là thứ mà Vingroup muốn đóng góp thực sự cho sức khỏe người Việt.

Việc chi 300 tỉ đồng để hỗ trợ, kết nối 1.000 hợp tác xã làm rau sạch của Vingroup thể hiện rất rõ triết lý này. Vingroup không muốn một mình mình thành công khi những người nông dân thất bại.

Sự tiên phong của Vingroup trong lĩnh vực thực phẩm sạch (và trước đó là sự thành công của rau, sữa của bà chủ tập đoàn TH Thái Hương), trở thành niềm khích lệ đối với rất nhiều tổ chức và cá nhân khác muốn đem thực phẩm sạch đến bữa ăn của hơn 90 triệu người Việt Nam.

5. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam hiện tại và tương lai sẽ là Nông nghiệp sạch - công nghệ cao; du lịch và công nghệ thông tin.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nói rằng, nếu đầu tư đúng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những mô hình giống các "thung lũng silicon" trong nông nghiệp.

Người đầu tiên hiện thực hóa mong ước này là ông Vũ Mạnh Hùng, TGĐ tập đoàn Hùng Nhơn, một doanh nghiệp chăn nuôi tầm cỡ Đông Nam Á.

Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan) vừa ký kết một hợp đồng trị giá hơn 1.200 tỉ đồng để triển khai dự án thung lũng thực phẩm an toàn tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Toàn bộ chuỗi sản xuất này sẽ cung cấp thịt heo, gà, trứng, rau củ quả sạch, được truy xuất nguồn gốc và thực hiện theo tiêu chuẩn Global GAP, cho người Việt và xuất khẩu.

Khi vua chuối Việt Nam Võ Quan Huy (Long An) báo cáo việc xuất khẩu chuối sạch thành công sang thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới là Nhật, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Tại sao không mơ Việt Nam trở thành quốc gia số 1 về xuất khẩu chuối? Việt Nam đâu thiếu bờ xôi ruộng mật để trồng chuối trong khi khí hậu lại ủng hộ.

Đề bài của Thủ tướng được "cái đầu điện toán" của ông Trương Gia Bình tính rất nhanh: Diện tích trồng chuối thì không thiếu, cái thiếu là việc "nhân giống" ra thêm 300 ông vua chuối như Võ Quan Huy. Có 300 ông này, Việt Nam sẽ soán ngôi "vua xuất khẩu chuối thế giới" của Ecuador.

Bài toán về chuối cho thấy việc đầu tư đúng vào nông nghiệp sạch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh to lớn.

6. Tín hiệu đáng mừng nhất của một nền nông nghiệp sạch Việt Nam, không chỉ là việc tìm kiếm những đối tác nước ngoài, những cơ hội xuất khẩu, mà còn đến từ thái độ của các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp.

"Dấn thân" là từ mà ông Trần Bá Dương dùng khi ông bắt tay và kêu gọi các doanh nhân chưa có tiền lệ đầu tư thực phẩm sạch, tham gia sản xuất thực phẩm sạch.

Ông Dương dẫn lời Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường rằng: Với phương thức cũ như hiện nay, nông nghiệp Việt Nam không thể phát triển thêm nữa. Cần phải đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp thì mới bật vọt.

"Nhưng người nông dân thì lấy đâu ra số vốn khổng lồ để đầu tư? Họ cũng không có kinh nghiệm quản trị công nghiệp. Thế thì chúng ta, những doanh nghiệp lớn phải dấn thân vào đây, đóng góp sức mình cho xã hội" – ông Dương nói.

Để có sự dấn thân thực sự của các doanh nghiệp lớn, các nhà lãnh đạo cũng phải dấn thân.

Ông Trần Bá Dương kể công khai rằng, "Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã rất nhiều lần liên lạc với tôi" để thuyết phục ông đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp.

Hành xử cầu người tài và tâm thế chủ động của một tư lệnh ngành, mang đậm tư tưởng phục vụ và kiến tạo, được người đứng đầu Chính phủ biểu dương "xông xáo, chịu nghĩ, chịu làm".

Thái độ mạnh mẽ, quyết đoán cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện rõ nét ngay khi kết luận Hội nghị "Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN", làm nức lòng nhà đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo: Tạo chính sách để tất cả những người muốn đầu tư, sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao ở 64 tỉnh thành đều được ưu đãi lãi suất và cơ chế (trước đây chỉ có 10 tỉnh); gói tín dụng 50.000 tỉ cho lĩnh vực này phải được tiếp cận dễ dàng hơn…

Tất cả những bước đi rất mới ấy đã mang đến một tín hiệu rõ ràng: Ngày mà 90 triệu người dân Việt Nam được dùng thực phẩm an toàn; ngày mà Việt Nam có thể trở thành một cường quốc nông nghiệp, rất có thể không còn xa quá nữa.

Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu) - Ông Nguyễn Như Tiệp (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản – Bộ NN&PTNT); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh(đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.

Các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Theo Bùi Hải

Trí thức trẻ

Trở lên trên