MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày này năm xưa: 30/1, ‘tấm gỗ cong’ cứu người đầu tiên ra đời, nhỏ nhưng có võ, không có là cả thế giới ‘mất trắng’ đường thủy

30-01-2023 - 08:04 AM | Tài chính quốc tế

Ngày này năm xưa: 30/1, ‘tấm gỗ cong’ cứu người đầu tiên ra đời, nhỏ nhưng có võ, không có là cả thế giới ‘mất trắng’ đường thủy

30/1/1790, cách đây 233 năm, Henry Francis đã thành công phát minh ra “vũ khí” giải cứu con người lúc gặp nguy hiểm khi ra biển.

Tuổi thơ gắn liền với thuyền và biển

Henry Francis Greathead sinh ngày 27 tháng 1 năm 1757 tại thành phố Richmond, North Yorkshire, Anh. Cha ông là quan chức phụ trách muối tại địa phương. Vào năm 1763, gia đình ông chuyển đến thành phố South Shields, Anh. Lúc này, cha ông đã trở thành giám sát viên tại đây.

Ngày này năm xưa: 30/1, ‘tấm gỗ cong’ cứu người đầu tiên ra đời, nhỏ nhưng có võ, không có là cả thế giới ‘mất trắng’ đường thủy - Ảnh 1.

Henry Francis Greathead

Nhờ có gia cảnh khá giả, Henry đã nhận được nền giáo dục tốt nhất trong khu vực. Khi lớn lên, ông đã theo học nghề đóng thuyền. Năm 1778, Henry làm công việc thợ mộc đóng tàu. Nhưng ngay một năm sau, ông đã bị đắm tàu ​​​​gần thị trấn Calais nhưng may mắn là không nguy hiểm tới tính mạng.

Con đường lênh đênh trên biển của Henry gặp nhiều khó khăn. Sau này ông đã đi đến quốc đảo Grenadas, rồi đến thành phố New York. Năm 1785, Henry trở lại South Shields và thành lập một công ty đóng thuyền của riêng mình và kết hôn vào năm 1786.

Hành trình nghiên cứu và chế tạo gian nan

Năm 1789, con tàu "Adventurer" của Newcastle đã bị lạc trên Herd Sands bên ngoài South Shields. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã chết đuối. Biển quá động để bất kỳ chiếc thuyền bình thường nào có thể tiếp cận những thủy thủ kém may mắn và giải cứu họ.

Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, một ủy ban đã được thành lập để nghiên cứu và chế tạo một chiếc thuyền có khả năng thực hiện giải cứu người trong những điều kiện bão như vậy. Hai mô hình mẫu đã được các thợ mộc làm thử.

Một mô hình mẫu được người chế tác William Willhave làm bằng đồng và có thể hạn chế tình trạng bị lật. Tuy nhiên, ủy ban lại không tán thành ý tưởng về một chiếc xuồng đồng như vậy. Đến những năm 1840, những ý tưởng hay thiết kế xuồng cứu sinh đều không được triển khai.

Sau này Henry Greathead đã làm một chiếc xuồng cứu sinh mẫu bằng gỗ. Ông đã được khen thưởng và được thuê để đóng một chiếc xuồng cứu sinh thử nghiệm. Sau thời gian bàn bạc giữa Henry và ủy ban, họ thống nhất sẽ thiết kế xuồng cứu sinh gần giống với chiếc thuyền Norway Yawl.

Ngày này năm xưa: 30/1, ‘tấm gỗ cong’ cứu người đầu tiên ra đời, nhỏ nhưng có võ, không có là cả thế giới ‘mất trắng’ đường thủy - Ảnh 2.

Xuồng cứu sinh Original

Chiếc xuồng tiên phong này có sống cong, đầu và đuôi nhô cao hơn so với chiếc Norway Yawl. Nếu xuồng có hiện tượng tràn nước, phần 1/3 diện tích ở mỗi đầu xuồng sẽ nằm ngoài mặt nước và nó có thể tiếp tục hành trình giải cứu mà không bị chìm.

Chiếc thuyền của Henry có thể chèo theo cả hai hướng và được điều khiển bằng mái chèo chứ không phải bánh lái. Nó có mười mái chèo ngắn, những mái chèo này dễ điều khiển hơn so với mái chèo dài mỗi khi biển động.

Thiết kế xuồng cứu sinh của Henry dài hơn 9 mét và rộng hơn 3 mét. Các mặt bên được bọc bằng vỏ gỗ sồi, dày 10cm và được cố định bằng các tấm ván đồng.

Thiết kế này giúp con thuyền nổi lâu hơn và phục hồi nhanh chóng sau bất kỳ sự cố nào. Độ cong của sống xuồng cũng khiến nó dễ dàng lái về hướng trung tâm. Con thuyền này của Henry có thể chở được tối đa hai mươi người.

Chính thức, vào ngày 30 tháng 1 năm 1790, chiếc “xuồng cứu sinh” của Henry Greathead đã được đặt tên là Original và chạy thử lần đầu tiên trên sông Tyne.

Phải mất vài năm công chúng mới biết đến sự hiện diện của chiếc xuồng cứu sinh này. Năm 1798, Hugh Percy, công tước của hạt Northumberland đã mua một chiếc xuồng cứu sinh cho North Shields, và sau đó là một chiếc khác cho thành phố Porto vào năm 1800.

Ủy ban đã thừa nhận công dụng “giải cứu” con người của xuồng cứu sinh Original cũng như đánh giá cao tính độc đáo của sáng chế này vào trao thù lao khen thưởng cho Henry.

Tuy nhiên, Henry Greathead chưa bao giờ lấy bằng sáng chế cho phát minh của mình và được cho là sẵn sàng chia sẻ ý tưởng xuồng cứu sinh với những người khác vì lợi ích chung.

Ngày nay, bất kỳ con thuyền nào muốn ra biển đều cần trang bị xuồng cứu sinh theo quy định về số lượng người trên thuyền. Phát minh của Henry Francis Greathead sẽ còn mãi giá trị với thời gian.

Tổng hợp

Thuỳ Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên