MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề thẩm định tài sản: Đóa hồng có gai!

10-09-2017 - 13:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Những ly bia xế chiều hay những cái phong bì lén lút là những cám dỗ không chỉ tôi mà mọi nhân viên ngân hàng đều có thể sa chân vào, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết nhận diện những cám dỗ ấy để vượt qua bởi nếu không, con đường đến với song sắt sẽ gần hơn bao giờ hết.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Văn Công đến từ Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VietABank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

------------

Nghề thẩm định giá, cái nghề mà chúng tôi vẫn thường hay nói vui với nhau sau mỗi ly trà đá thì đó là một nghệ thuật định giá tài sản (động sản, bất động sản, vô hình hay hữu hình, tài sản tài chính). Bằng những phương pháp định giá, những con số, những dẫn chứng hay lập luận đầy chính xác, chân thực và đầy tính thuyết phục thì giá trị của những tài sản vài chục hay trăm, nghìn tỷ…hiện ra chỉ vỏn vẹn vài chục trang giấy.

Nghề của chúng tôi gắn liền với sự tăng trưởng của tín dụng. Ngân hàng có nhiều khách vay thì hồ sơ đẩy lên từ các phòng, chi nhánh cũng nhiều và nhân viên định giá như chúng tôi lại thêm phần nặng nhọc. Những ngày mới vào nghề bất kể ngày nắng hay mưa, khi có lịch hẹn gặp khách hàng để định giá thì tôi đều có mặt mà phải thật đúng giờ. Cũng không khác gì anh tín dụng, đôi chân tôi cũng rong ruổi khắp mọi nẻo đường, từ thành phố đến làng quê, đất đô thị đến vườn ruộng, nhà máy, dây chuyền... Bộ hồ sơ nào dễ làm thì hơn một tiếng làm báo cáo là xong, có những bộ khó như nhà máy, dự án, dây chuyền... thì vất vả lắm, có khi thông ngày trắng đêm.

Để làm được công việc này, ngoài việc xem xét những đặc điểm riêng biệt của từng loại hình tài sản, từ hình dạng, kích thước đến ngõ ngách…, còn phải xem xét các yếu tố rủi ro vô hình là rủi ro gắn với khả năng sinh lời trong tương lai…; những yếu tố luật pháp như quyền sở hữu, giấy phép xây dựng, đất có tranh chấp hay quy hoạch gì không... cũng như mức độ ảnh hưởng đến giá trị tài sản. Mỗi bộ hồ sơ đều được gắn với những loại hình tài sản khác nhau, đòi hỏi nhân viên định giá phải vận dụng các phương pháp định giá nghiệp vụ một cách chính xác và đúng quy định.

Không chỉ là năng lực, nghiệp vụ mà nghề cũng cần đến cái tinh tế, cái nghệ thuật đánh giá tài sản của bản thân mỗi chuyên viên định giá. Thật sự đâu có dễ mà nhất là với một người như tôi, chân ướt chân ráo bước vào nghề.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu đi thực tế định giá cùng với anh tổ trưởng của mình. Mặc dù đã nắm bắt gần như đầy đủ các bước khi đến thẩm định tài sản nhưng tôi vẫn loay hoay như gà mắc tóc. Tôi quên đi cách đo hướng nhà, quên đo độ rộng ngõ, chụp ảnh đường vào tài sản … toàn những thứ mà trước đó tôi luôn nghĩ nó sẽ không bao giờ xảy ra với mình vì nó quá ư đơn giản. Nhưng không - nó đã xảy ra! Dường như tôi cảm thấy có cái gì đó đang chống lại mình vậy. Dưới cái nắng như thiêu da đốt thịt của mùa hè, từng giọt mồ hôi rơi lã chã lại càng làm tôi bất lực, rối trí. Sau khi đi thực tế về, tôi nhìn thấy rõ sự thất vọng của anh tổ trưởng, cũng phải thôi, bao nhiêu công sức hướng dẫn của anh dành cho tôi suốt mấy tháng trời vậy mà đến ngày cho đi làm thật thì tôi lại quên hết những gì anh đã nói.

Buồn bã, thất vọng về bản thân nhưng tôi hiểu rằng sự vấp ngã ngày hôm nay là tiền đề để cho bản thân trở nên tự tin hơn, cố gắng nhiều hơn nữa. Và tôi cũng nghĩ anh tổ trưởng hiểu được. Anh đã nói với tôi rằng lần đầu mà, ai chẳng có sai sót, cái anh cần đó là sự đổi thay của tôi sau chuyến đi đầu tiên khi mới vào nghề.

Không có chỉ tiêu doanh số, nhưng tôi cũng có cái khổ riêng của mình đó là về năng lực, kinh nghiệm làm việc. Nhưng thứ áp lực nhất khi làm ở ngân hàng nói chung và nghề thẩm định giá nói riêng với tôi là những rủi ro - nó vô cùng khủng khiếp. Mọi người vẫn nói cứ làm cái gì về tiền là lo lắm, mà từ xưa đến nay, mấy ai chịu nổi cái ma lực khủng khiếp ấy chứ! Những ngày gần đây, hẳn không ai không biết đến việc hàng loại lãnh đạo ngân hàng cấp cao của Ngân hàng Xây dựng hay Oceanbank vướng vòng lao lý như một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với tôi mà còn toàn bộ anh em trong ngành.

Rủi ro với nghề thẩm định đến từ mọi phía, bên trong là đến từ nghiệp vụ định giá tài sản (quy trình, phương pháp…) cách đánh giá tài sản, câu từ, những nhận xét… Còn rủi ro bên ngoài luôn thay đổi và diễn biến một cách khó lường, phức tạp từ khách hàng, đồng nghiệp, hay cán bộ địa chính bắt tay với khách hàng làm sai bản đồ thửa đất làm tăng giá trị tài sản v.v .

Đi liền với rủi ro thường là đạo đức nghề nghiệp, chính vì vậy đạo đức nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng mà bất kì ai khi đã dấn thân vào ngân hàng nói chung, thẩm định giá nói riêng không thể xem thường.

Tôi vẫn còn nhớ như in những lời dặn dò của anh tôi khi dìu dắt tôi vào nghề này: Em tuyệt đối không được nhận tiền của bất kì ai có liên quan đến công việc. Các hành vi như nhận tiền rồi cố tình làm sai hồ sơ, tính sai phương pháp định giá tài sản để nâng giá trị tài sản lên một cách bất thường và không đúng với giá trị thực của tài sản; những cuộc hẹn bất thường, những ly bia xế chiều hay những cái phong bì lén lút là những cám dỗ không chỉ tôi mà mọi nhân viên ngân hàng đều có thể sa chân vào, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết nhận diện những cám dỗ ấy để vượt qua bởi nếu không, con đường đến với song sắt sẽ gần hơn bao giờ hết.

Nhưng, cũng phải hiểu rằng, khi đã tham gia vào cuộc chơi thì chúng ta đều cần phải biết mình là ai và cần phải làm gì. Sống và làm việc trong môi trường làm việc đầy khó khăn và thử thách sẽ làm cho mỗi người trưởng thành và bản lĩnh hơn.

Tôi mới chỉ va vấp vào nghề thẩm định tài sản chưa lâu nhưng đến thời điểm này tôi cũng tự hào rằng bản thân mình làm việc chưa có gì phải nuối tiếc, tôi đã vượt qua những cám dỗ để sống và làm việc với nghề bằng chính cái tâm của mình. Nghề thẩm định giá của chúng tôi chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn nữa cùng với sự phát triển của nền kinh tế, và tất nhiên đâu đó còn nhiều khó khăn, rủi ro, thách thức đang chờ đón, nhưng khi tôi cho rằng khi coi nghề như cuộc sống, hơi thở của mình, không ngừng nâng cao năng lực bản thân, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức thì thành công ắt sẽ đến.

Trần Văn Công (AMC VietABank)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên