MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề xử lý nợ - Những cảm xúc không tên

23-09-2017 - 09:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Có thể với nhiều người, khi khách hàng tất toán khoản vay, hay đơn giản là đóng một khoản tiền họ thấy bình thường, nhưng với tôi, 2 năm làm xử lý nợ, cảm giác vẫn còn nguyên vẹn đó là vui sướng, tự hào và có động lực để tiếp tục "chiến đấu".

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Yên - Ngân hàng HDBank Hoàn Kiếm gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

--------------

Ra trường với tấm bằng cử nhân Luật, tôi ôm ấp trong mình bao hoài bão. Vật lộn với cuộc sống thành thị chen chúc, tự thấy mình thật nhỏ bé. Đôi lúc tôi ước gì mình có thể sống mãi những năm tháng sinh viên đẹp đẽ ấy, trong sự bao bọc ôm ấp của bố mẹ. Cuộc sống của tôi giống như bao người trẻ khác rồi cũng đến lúc chúng tôi mang trong mình những bất an, bắt đầu trăn trở về tương lai, về những nỗi lo toan vô hình ở chặng đường phía trước. Và rồi nghề ngân hàng đến với tôi như một cái duyên, chẳng ai nghĩ rằng một cô gái nhỏ nhắn như tôi lại trở thành một chuyên viên xử lý nợ.

Chuyên viên Xử lý nợ - nghề mà người ta vẫn thường gọi đùa là “dân đòi nợ”. Nhắc tới nghề này chắc ai cũng nghĩ đến hình ảnh những con người có tính cách mạnh mẽ, lạnh lùng và có sức vóc. Chúng tôi thường trêu nhau phải thêm vài hình xăm hổ báo nữa trông mới giống dân xử lý nợ, mới làm được việc. Bản thân tôi cũng luôn suy nghĩ như vậy cho đến khi thực sự bước vào nghề, mọi suy nghĩ ban đầu đã hoàn toàn thay đổi.

Những cảm xúc đầu tiên đến với tôi thật khó tả, trong đầu bao nhiêu lo lắng và biết bao câu hỏi đặt ra: Liệu mình là con gái, nhỏ nhắn, ít nói thế này, có làm nổi không? Liệu nhút nhát có làm được xử lý nợ không? Chưa có chút kinh nghiệm nào thì đối phó, làm việc với họ ra sao?…

Thực sự, quãng thời gian mới vào làm ở HD Bank tôi mông lung không biết sẽ làm như thế nào. Nhưng chính môi trường làm việc và con người nơi đây đã dạy cho tôi cách để trưởng thành. Các sếp, các anh chị đồng nghiệp đã giúp tôi dần thoát ra khỏi những rối ren, trấn an tôi bằng cách hướng dẫn thực hiện công việc từng bước một cách nhẹ nhàng. Tôi bắt đầu đi công tác cùng mọi người, học hỏi gặp gỡ khách hàng, tiếp xúc với các cơ quan công quyền, bắt tay vào thực hiện báo cáo với những con số biết nhảy từng ngày, từng tuần…, chắp bút làm quen những tờ trình đầu tiên từ đơn giản đến phức tạp, cứ thế từng bước một…

Mới đầu, kinh nghiệm non nớt, suy nghĩ về cuộc sống vẫn còn giản đơn đến khi vào guồng công việc, tôi đã nhìn thấy được bức tranh muôn màu trong xã hội. Khi khoản vay đã trở thành nợ xấu của ngân hàng thì đó là lúc những khách hàng đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, họ không còn vui vẻ phấn khởi như lúc ban đầu, vừa được ngân hàng phê duyệt món vay và sắp sửa giải ngân một khoản tiền – niềm vui trên những gương mặt đó là tia hi vọng để họ thực hiện những dự án, những ấp ủ kinh doanh hay mơ về một nguồn vốn để có thể xây một căn nhà lớn hơn, đẹp hơn....

Xử lý nợ là nghề mà những cán bộ ngân hàng như chúng tôi phải gặp gỡ, làm việc trong hoàn cảnh khách hàng đang gặp trắc trở trong công việc, cuộc sống, nghề mà mọi người vẫn thường ví von bằng hình ảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Chúng tôi phải làm việc với những công ty đang chấp chới trên bờ vực phá sản; là những người đứng đầu đang cố gắng bám trụ để giữ vững sự tồn tại của công ty; là những người con để lại một khoản nợ cho bố mẹ già đang chạy ăn từng bữa, không một đồng lương hưu; là giọt nước mắt của người em đang mượn nhà của người chị gái không chồng không con, thế chấp cho ngân hàng… Nhưng làm ăn thì phải đương đầu với khó khăn, thử thách, với những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể đoán trước được… Trong kinh doanh có thắng, có thua và theo quy luật của cuộc sống: có vay phải có trả, họ đã không thực hiện hết nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng thì những cán bộ như chúng tôi có trách nhiệm thực hiện công việc, bổn phận của mình, làm việc theo đúng tuân chỉ, quy định của pháp luật.

Với những người mới vào nghề như tôi, khi chưa có kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức pháp luật chưa vững vàng thì nghề xử lý nợ là một thử thách. Trong quá trình làm việc tôi đã vấp phải không ít khó khăn nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì tôi lại có điều kiện để cọ xát thực tế, học hỏi thêm bấy nhiêu. Tôi đã từng bị một nữ khách hàng gọi điện dọa dẫm chỉ vì đã qua công an phường xác minh địa chỉ nơi cư trú và tìm hiểu một số thông tin cá nhân của bà. Đã có lần tôi chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị khách hàng rượt đánh, cũng không ít lần đi kê biên chúng tôi đã bị người ta ném đuổi và nghe những lời chửi bới tục tĩu…Nhưng ngược lại, cũng có những khách hàng vui vẻ và hợp tác mỗi khi nghe điện thoại hay những lần tôi cùng đồng nghiệp qua nhà làm việc. Tôi vẫn luôn tin rằng làm việc hết mình, tuân thủ đúng các quy định về chuyên môn, luôn gắn cái tâm với nghề thì chắc chắn mọi nỗ lực sẽ được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.

Kết quả đầu tiên trong công việc đến với tôi đó là những số thu, những số tiền thu về được cho ngân hàng, tôi nhớ hồi đó là sau hơn một tháng rưỡi kể từ ngày bắt đầu vào làm việc. Tôi nhảy và hét lên vì sung sướng, hơn hết điều làm tôi hạnh phúc đó là ánh mắt biết ơn, vui sướng từ khách hàng, họ vui vì đã tất toán được khoản nợ, xử lý dứt điểm được món nợ xấu, để gia đình có thể nhẹ nhõm tiếp tục làm ăn, yên tâm công tác và nuôi dạy con cái… Có thể với nhiều người đó là một điều bình thường nhưng với tôi đó là kết quả của một quãng thời gian học hỏi và cố gắng. Đến bây giờ, sau 2 năm gắn bó với nghề, tôi cảm nhận được sự trưởng thành rõ rệt ở bản thân, bởi môi trường làm việc thực tế với khách hàng với các cơ quan Nhà nước đã làm cho tôi có điều kiện tiếp thu nhanh và rút ra nhiều bài học từ công việc. Nhưng những cảm xúc khi khách hàng tất toán khoản vay, hay đơn giản là đóng một khoản tiền, khi chỉ tiêu thực hiện của phòng đang dần tiến đến đích HOÀN THÀNH – vẫn nguyên vẹn: vui sướng, tự hào và tạo niềm tin, động lực rất lớn để các anh chị em trong phòng tiếp tục cùng nhau chiến đấu.

William Shakepeare đã từng nói: “Mọi việc trở nên tốt đẹp hơn hay tồi tệ đi đều bắt nguồn từ suy nghĩ của bạn”. Với tôi thái độ sống là vô cùng quan trọng, thách thức hay cơ hội là ở chính chúng ta. Xử lý nợ là nghề đã khiến cho không ít bạn trẻ lựa chọn cách ra đi và tìm cho mình con đường khác. Tôi thì nghĩ khác, dù ở đâu, môi trường nào đi chăng nữa thì vẫn có những điều để chúng ta phải học hỏi, phấn đấu và tích lũy kinh nghiệm. Thế nên, tôi chọn ở lại, cống hiến và tiếp tục gắn bó với nghề. Có lẽ những cảm xúc mà nghề xử lý nợ đã mang lại chính là lý do để tôi lựa chọn con đường này. Tôi chỉ muốn truyền ngọn lửa tinh thần đến các bạn trẻ còn đang băn khoăn trước những lựa chọn rằng hãy dũng cảm ước mơ, dám đương đầu và hết mình, chỉ đơn giản là chúng ta còn trẻ; sống và làm việc bằng sức trẻ - thứ năng lượng dư thừa tồn tại trong chính các bạn, thì nhất định thành công sẽ đến.

Nguyễn Thị Yên - Ngân hàng HDBank

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên