MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết về xử lý nợ xấu: Kiến nghị bổ sung trách nhiệm của Quốc hội

27-05-2017 - 10:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội thông qua, nên phải bổ sung trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD chiều 26/5, ĐBQH Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng chủ trương ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết vẫn còn nhiều điều phải xem lại.

Hiện nay chưa có đạo luật nào do Quốc hội ban hành về nợ xấu. Quốc hội có quyền ban hành những nội dung mới và có hiệu lực. Cơ sở pháp lý có nhưng nội dung và tiền lệ chưa có.

Khi trở thành nợ xấu, tài sản bảo đảm khó có thể tương đương với khoản nợ xấu. Dự thảo cho phép bán tài sản đảm bảo dưới mức giá xác định. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phải cân nhắc điều này bởi cần phải tuân theo nguyên tắc thị trường, đồng nghĩa với việc phải cân đối theo giá thị trường.

“Kể cả bán dưới mức thị trường nhưng vấn đề đặt ra là sự lạm dụng trong đấu giá, sẽ có sự trục lợi định giá thấp để ăn chênh lệch. Cần có biện pháp pháp để ngăn việc này. Không thể vì xử lý nợ xấu mà có thể gây thêm thiệt hại cho chủ nợ.,” ông Lê Thanh Vân đặt nghi vấn.

Cũng theo đại biểu Vân, NHNN cần phải giải trình trước Quốc hội chính sách tiền tệ trong giai đoạn nợ xấu tăng cao và phải giải thích nguyên nhân vì sao, qua đó báo cáo trước Quốc hội bài học rút ra từ việc này như thế nào.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri, các DN đều kêu khó tiếp cận vốn vay do chính sách thắt chặt của ngân hàng. Quốc hội cần phải nhận được báo cáo về bài học rút ra trong quá khứ; trách nhiệm cá nhân và tập thể; hướng điều hành thời gian tới”.

Đại biểu Ngô Hồng Chiểu, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng mục tiêu của Nghị quyết này là làm ổn định hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng không lành mạnh sẽ rất khó khăn cho phát triển kinh tế của đất nước. Ông Chiểu cũng cho rằng việc xác định giá trị tài sản đảm bảo theo giá thị trường là đúng nhưng cũng cần phải linh hoạt. Nếu không cho bán dưới giá trị sổ sách sẽ không thể xử lý được nợ xấu, nhưng nếu bán dưới giá trị sổ sách cần phải có ràng buộc cụ thể để việc xử lý đạt hiệu quả.

Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cũng cho rằng nội dung này rất dễ bị lợi dụng trong việc định giá tài sản cao hay thấp. Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì cho rằng vì đây là Nghị quyết của Quốc hội nên phải bổ sung trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên