MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý càng học cao, càng dễ thất nghiệp, đến thủ khoa cũng phải chật vật xin việc

Có bằng đại học, thậm chí tốt nghiệp thủ khoa nhưng nhiều bạn trẻ vẫn rơi vào trạng thái không có việc làm, hoặc đang chật vật để xin việc.

Thủ khoa cũng“kêu cứu”

Cách đây 1 tháng tâm sự của một thủ khoa đại học 3 năm không xin được việc đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Đồng Thị Ngân (cựu sinh viên ĐH Thương mại) là một trong 123 nữ thủ khoa đại học xuất sắc nhất được vinh danh năm 2013. Những tưởng đây là tiền đề tốt giúp Ngân trong con đường sự nghiệp, nhưng thật trớ trêu, danh hiệu này không đem lại một lợi thế nào cho Ngân, thậm chí, nó còn là bất lợi khi đi xin việc.

3 năm (từ 2013 đến 2016) không xin được công việc đúng ngành nghề, Ngân đành xin làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống. Tâm sự của một thủ khoa đại học chật vật tìm việc đã khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn.

Ngân không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, năm 2015, cộng đồng mạng đã liên tục chia sẻ thông tin về Chu Thị Yến, nữ thủ khoa cả đầu ra và đầu vào của khoa Điện – Điện tử trường ĐH Giao thông Vận tải nhưng suốt 3 tháng gửi hồ sơ đi chục nơi mà không có kết quả. Gia đình khó khăn, thậm chí tân thủ khoa này đã phải tính đến việc về quê làm lao động phổ thông.

Hay một trường họp khác là Lê Văn Ngọ, thủ khoa đầu ra trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2013 - ra trường với số điểm trung bình 8,77 nhưng không tìm nổi việc làm. Trước khi dư luận lên tiếng và được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận Tải, Ngọ đã phải tự nuôi sống bản thân bằng một công việc tay chân với mức lương chỉ 1,5 – 2 triệu/tháng.

Nghịch lý từ những con số

Trong bản thông báo về tình trạng lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm của do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố có một điểm đang lưu ý: Số người lao động có trình độ đại học trở lên và nhóm cao đẳng nghề hiện là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Cụ thể, trong quý II/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có tới hơn 418.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên với hơn 191.000 người, tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp với 59.100 người.

Ở Việt Nam, hiện tượng tỷ lệ thuận giữa trình độ và khả năng thất nghiệp không phải là điều mới mẻ, nếu như nhìn vào thống kê của năm 2015. Theo đó, tại các quý, số người có trình độ đại học trở lên chiếm số lượng lớn trong lượng người thất nghiệp.

Nghịch lý càng học cao, càng dễ thất nghiệp, đến thủ khoa cũng phải chật vật xin việc - Ảnh 1.

Những con số này như tiếng chuông báo động đến chất lượng dạy và học của ngành giáo dục Việt Nam mà theo rất nhiều chuyên gia là “thừa kiến thức, ít thực hành”, “xa lạ với công việc thực tế”, khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, như nhận xét của ông Đào Quang Vinh, Trưởng Ban biên tập Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam là "đang có độ vênh khá lớn giữa cung lao động qua đào tạo và nhu cầu tuyển dụng".

“Chúng ta đang thừa nhóm lao động có tỷ lệ lớn mà thị trường không cần như số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở các nhóm kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh và xã hội. Trong khi nhóm về kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia côngg nghệ thì rất thiếu. Do đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng”, ông Vinh cho biết.

Trên thực tế, các chuyên gia làm về nhân sự cũng cho biết thị trường không hề thiếu việc làm, thậm chí nhiều công ty đang trong trạng thái khát nhân lực, nhưng do độ vênh của của cung và cầu, khiến cho việc tuyển dụng trở thành “kẻ ăn chẳng hết người lần chẳng ra” như hiện nay.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên