MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý đô thị hóa ở Trung Quốc, gần 1/3 số thành phố đang co hẹp

24-03-2019 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Nhận định rằng tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc vẫn tăng nhanh giờ đã không còn đúng với gần 1/3 số thành phố ở nước này, nơi mật độ dân số đang giảm sút, theo nghiên cứu của một trường đại học Trung Quốc.

Một nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Tsinghua đã dùng hình ảnh vệ tinh để theo dõi mức độ ánh sáng ban đêm ở hơn 3.300 thành phố và thị xã từ năm 2013 – 2016. Khoảng 28% kết quả quan sát được cho thấy mức độ ánh sáng đã yếu đi.

Trung Quốc hiện có 938 thành phố thu hẹp, theo Long Ying, chuyên gia quy hoạch đô thị tại Đại học Tsinghua, Trung Quốc, người đã thành lập và lãnh đạo nhóm nghiên cứ - Beijing City Lab. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Các phát hiện này cho thấy dấu hiệu suy giảm dân số và hoạt động kinh tế trên gần 1/3 các thành phố được nghiên cứu, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế chính thức cũng cho thấy Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn về kinh tế và nhân khẩu học.

Hơn nữa, vấn đề đang trở nên tệ hơn. Giữa năm 2000 và 2012, các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có ít thành phố đang thu hẹp hơn là Pháp, Đức, Anh và Mỹ.

Nghịch lý đô thị hóa ở Trung Quốc, gần 1/3 số thành phố đang co hẹp - Ảnh 1.

Ảnh: SCMP.

Long nói trong cuộc hội thảo tại Thượng Hải tuần trước rằng ông rất mong chờ kết quả điều tra dân số Trung Quốc năm 2020 để đưa ra kết luận về xu hướng này.

“Điều tra dân số năm 2020 có lẽ sẽ cho chúng ta vài gợi ý liệu tình hình tiếp tục chuyển biến xấu đi hay không”, Long nói.

Các thành phố Trung Quốc chịu áp lực lớn nhất từ vấn đề giảm mật độ dân gồm các khu vực phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, như thị trấn khai thác than Hạc Cương ở tỉnh Hắc Long Giang.

Cùng chung vấn đề là các thành phố “đang trong quá trình chuyển đổi”, như Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang - từng được coi là chợ bán buôn hàng hóa nhỏ lớn nhất thế giới và nổi tiếng với mạng lưới cửa hàng bán hàng giả.

Một vấn đề lớn nữa Trung Quốc phải đối mặt là vấn đề thu hẹp đô thị được xác định nhờ những tấm ảnh ngoài không gian lại không được quan tâm bới những thành phố đang được quy hoạch trên mặt đất.

Các nhà quy hoạch đô thị Trung Quốc, nhận lệnh từ chính quyền thành phố, vẫn đang xây dựng kế hoạch dựa trên giả định rằng các thành phố Trung Quốc sẽ còn lớn mạnh vô thời hạn, Long nói.

“Cũng giống với việc cân nặng của bạn đã giảm 10 năm nay, nhưng bạn vẫn lên kế hoạch dinh dưỡng cho người đang tăng cân”, Long, người đang cố gắng nâng cao nhận thức về vấn đề nói.

Nghịch lý đô thị hóa ở Trung Quốc, gần 1/3 số thành phố đang co hẹp - Ảnh 2.

Lối vào một mỏ than ở Hạc Cương, Hắc Long Giang. Ảnh: AP.

Phần lớn các kế hoạch đô thị Trung Quốc đang xa rời thực tế hiện nay, Long cho biết sau khi nhóm của ông xem xét kế hoạch phát triển đầy tham vọng của hơn 60 thành phố. Các kế hoạch thường bao gồm dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như phát triển công nghiệp, thương mại và dân cư với nhiều khác biệt đáng kể trong xu hướng nhân khẩu học.

Nhóm của ông cũng khảo sát 80 nhà quy hoạch đô thị từ khu vực vành đai Đông Bắc Trung Quốc, nơi tập trung nhiều thành phố đang thu hẹp.

Hơn một nửa người được khảo sát làm việc dưới giả định dân số khu vực sẽ tăng, và gần 90% nói họ chịu áp lực từ quan chức địa phương về việc dùng các giả định lạc quan khi phác thảo kế hoạch.

Long cho biết kế hoạch đô thị thường được dựa trên dữ liệu kinh tế và dân số do chính quyền địa phương cung cấp. Trong nhiều trường hợp, con số này đã được “thổi phồng”. Rất khó để nói với chính quyền địa phương rằng mật độ dân số trong thị xã của họ - và theo sau là hoạt động kinh tế - đang suy giảm.

Ông cũng cho biết mình thường dùng cụm từ “thu hẹp” để diễn tả tình hình, vì nó mang tính trung lập hơn là “giảm mạnh” hay “suy thoái”.

Vấn đề là có thật và chính quyền địa phương cũng như chính phủ Trung Quốc cần chấp nhận sự thật khó khăn này sớm nhất có thể, Long nói, vì điều hành một thành phố đang thu hẹp sẽ phức tạp hơn, và sẽ nảy sinh các vấn đề khác với một thành phố đang lớn mạnh.

Các chung cư khổng lồ thống trị bầu trời ở hầu hết các khu vực đô thị Trung Quốc. Một khi bị bỏ trống, những tòa nhà này sẽ cần chi phí dỡ bỏ lớn hơn nhiều so với các ngôi nhà nhỏ hơn ở những thành phố thu hẹp tại Mỹ.

Những tòa nhà này cũng có thể có mật độ dân cư thưa thớt – khó có thể xác định có bao nhiêu phòng trống, Long nói. Hơn nữa, không một quan chức nào muốn phải đối mặt với quyết định liệu có nên phá bỏ một tòa nhà với chỉ vài người sinh sống hay không.

Sự hoang tàn ở nhiều thành phố hậu công nghiệp ở Mỹ có thể sẽ lặp lại ở Trung Quốc nếu sự việc không được giải quyết thấu đáo, Long nói. “Dù các thành phố thu hẹp ở Mỹ và Trung Quốc khác nhau trên nhiều cấp độ, quang cảnh tại nhiều thành phố Mỹ có thể là tương lai cho các thành phố bị thu hẹp ở Trung Quốc”.

Trong bối cảnh các thành phố của Trung Quốc cạnh tranh về công nghiệp và tài nguyên, nguy cơ về các thành phố suy giảm này lại càng bị bỏ lại phía sau.

“Cuộc chiến vì năng lực giữa các thành phố Trung Quốc chỉ làm tăng thêm nguy cơ này”, Long nói. “Các thành phố thu hẹp sẽ không chiến thắng trong cuộc đấu đó”.

Theo Minh Ngọc

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên