MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý giá lúa tăng cao, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm

13-04-2016 - 15:37 PM | Thị trường

Bước sang tuần thứ 2 tháng 4.2016, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm.

Hiện giá gạo 5% tấm chỉ còn 370USD/tấn, giảm 10USD/tấn so với tuần trước và giảm 5USD/tấn so tháng 3.2016. Đây là hiện tượng không bình thường khi nhiều quốc gia “đối thủ” vẫn giữ giá xuất khẩu gạo ở mức cao, thậm chí tăng vọt. Trong khi đó giá lúa trong nước lại liên tục tăng. Sự “lạc điệu” này đang dồn đẩy người nông dân đối mặt với nhiều nguy cơ…

Hiện nhiều quốc gia giữ giá gạo ở mức cao, như Ấn Độ 380USD/tấn hay Campuchia 460USD/tấn (gạo 5%), một số lại có chiều hướng tăng thêm bình quân 5USD/tấn như Thái Lan, Pakistan. Trớ trêu thay, giá gạo Việt Nam lại sụt còn giá lúa thì tiếp tục tăng. Hiện giá lúa IR 50404 đã lên 5.000 đồng/kg (225USD/tấn), tăng gần 500 đồng/kg so với tuần trước.

Theo các chuyên gia, lúa tăng giá chủ yếu là do nhu cầu tăng mạnh (tác động tâm lý hạn hán và xâm nhập mặn) và cung cấp giảm (do kết thúc vụ). Giá lúa đang tăng, nhưng nhiều nhà nông học lại lo vì cho rằng, giá lúa tăng như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài đến nông dân trồng lúa. Trước mắt, giá lúa tăng sẽ khiến nông dân mạnh dạn “xé rào” xuống giống vào đỉnh điểm nắng hạn như hiện nay. Điều này không chỉ khiến cho tình hình khô hạn, nạn thiếu nước tưới càng thêm trầm trọng, mà còn khiến chi phí đầu vào tăng vọt, năng suất giảm.

Trong khi đó đầu ra lại đang xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi. 3 tháng đầu năm 2016, gạo xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Châu Á chiếm 75%. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu lục này đang đứng trước khả năng giảm, thậm chí không nhập khẩu gạo Việt trong thời gian tới. Cụ thể, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vừa ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với 7 nhà nhập khẩu gạo Hồng Kông để bán 150.000 tấn gạo, trị giá 120 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc - bạn hàng lớn của gạo Việt Nam - đang siết chặt để ngăn chặn vận chuyển gạo cho Bắc Triều Tiên. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu gạo Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian tới.

Mặt khác, chủ trương mở rộng diện tích lúa thu đông 2016 ở ĐBSCL lên 900.300ha so với 843.140ha năm 2015 của Bộ NNPTNT để bù thiệt hại 200.000 tấn lúa đông xuân bị hạn, mặn cũng được nhiều chuyên gia chỉ trích là tác động lâu dài đến nông dân. Bởi mở rộng diện tích vụ ba sẽ cần thêm nhiều công trình đê bao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng nước dự trữ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Nói chính xác hơn là sẽ làm vùng ngoài đê bao bị lũ nhiều hơn, trong khi hạn hán và xâm nhập mặn càng trầm trọng mùa khô những năm tiếp theo.

Theo Lục Tùng

Lao động

Trở lên trên