MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiện mạng xã hội đã hủy hoại tôi như thế nào?

07-03-2019 - 21:46 PM | Sống

Các bạn ạ, tôi thừa nhận với các bạn một điều: Tôi đã chật vật vượt qua căn bệnh nghiện mạng xã hội chật vật suốt ba năm.

Tôi tự hỏi, các bạn của tôi ơi, nếu bạn từng “lướt” không ngừng nghỉ khi đang trò chuyện hay cảm giác bất an khi chiếc điện thoại rung báo tin nhắn đến, các bạn hãy làm hiệu cho tôi được biết. Tôi chắc rằng tôi chẳng cô đơn trên chặng đường này.

Năm 2013, tôi gia nhập Facebook. Trong những khoảnh khắc còn đọng lại trong tôi, tôi vẫn nhớ sâu đậm cảm giác “hạnh phúc” nhiệm màu mà thế giới phẳng mang lại. Tôi kết nối với mọi người, trò chuyện với những người bạn có lẽ tôi đã không còn giữ được liên lạc từ lâu, bấm thích trên những tấm ảnh và theo dõi tin tức.

Dẫu trong vô thức, tôi đã vô tình biến Facebook thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Facebook, với tôi, như một đứa con ngỗ nghịch mà tôi nhất mực yêu thương, nhưng tôi phải dần học cách rời xa và từ bỏ.

Năm 2015, tôi có được công việc full-time đầu tiên của cuộc đời sau khi tốt nghiệp đại học. Với đặc thù của một công việc nhiều áp lực, tôi lẽ ra nên tập trung cao độ và hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn quy định. Bước sang ngưỡng cửa của một công việc mới đem đến nhiều sự thay đổi, có chăng chỉ tôi vẫn do dự thay đổi. 

Tôi vẫn giữ thói quen “lướt” mạng xã hội ngay cả khi tôi đang trong giờ làm việc, gửi tin nhắn cho những câu chuyện phiếm dang dở và bình luận trên những bức ảnh của đồng nghiệp. Tôi không thể điều khiển suy nghĩ của bản thân. Điều tệ hại hơn đối với bản thân tôi, tôi bắt đầu so sánh cuộc sống “tẻ nhạt” bủa vây bởi điểm số, học hành và công việc “tầm thường” với cuộc sống tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và công việc tuyệt vời đầy thử thách của người khác.

Nghiện mạng xã hội đã hủy hoại tôi như thế nào? - Ảnh 1.

Tôi vẫn tự hỏi bản thân vì sao tôi không hạnh phúc vì công việc của mình? Vì sao năng lượng tích cực của tôi trước mỗi ngày làm việc dần bị hút cạn? Tôi tự huyễn hoặc bản thân rằng hẳn đó không phải công việc “phù hợp”với mình, rằng việc tôi từng được công nhận là sinh viên xuất sắc chỉ chứng minh tôi là người “biết học” nhưng chưa chắc đó đã là nghề nghiệp định mệnh của cuộc đời. Tôi nghĩ ra hàng nghìn lý do trì hoãn để ngụy biện cho cách làm việc có phần “buông thả” của bản thân. Mỗi ngày mới bắt đầu, tôi mở mắt nhưng chẳng thể ra khỏi giường bởi nặng trĩu những tâm tư, tôi đờ đẫn chải đầu và mặc quần áo chuẩn bị đi làm.

Tôi không nhận ra được rằng, chính những đêm “lướt” mạng xã hội không ngừng nghỉ để khỏa lấp cuộc sống có phần nhàm chán của mình đã dần biến tôi thành một người khác. Tôi bị ám ảnh bởi những giá trị ảo – những người bạn ảo, sự quan tâm “có đi có lại” và những sự giãi bày chẳng thành thật.

Cho đến một ngày, tôi xin nghỉ làm đột xuất. Tôi vật lộn với cảm giác không muốn bước ra khỏi giường và đến nơi làm việc. Tôi quyết định tắt điện thoại và bắt đầu đọc một cuốn sách. Đó là khoảnh khắc đã thay đổi tôi sau ba năm ngủ yên trong vỏ ốc tôi tự tạo ra cho chính mình.

Tôi đọc một câu nói khiến tôi bừng tỉnh khỏi cơn mê muội: “Cuộc sống của chúng ta bắt đầu kết thúc vào cái ngày ta thờ ơ với những điều quan trọng” (Martin Luther King Jr.).

Kí ức tràn về với tôi nhưng một thước phim quay chậm. Hình ảnh của tôi ngày là một cô bé sinh viên năm nhất cầm sách tập đến lớp học với bao ước mơ khát vọng, quyết tâm khiến tôi dao động. Tôi “thả trôi” ước mơ của mình theo sự trượt dài của bản thân. Đã từ rất lâu, việc đầu tiên khi thức dậy của tôi không phải tận hưởng sự tinh khiết của ánh mặt trời, mà là kiểm tra điện thoại với những dòng trạng thái vô hồn.

Tôi biết rằng tôi nên dừng lại. Không. Đúng hơn, có lẽ tôi phải dừng lại.

“Gần 1/3 con người sống trên hành tinh này đang sử dụng mạng xã hội. Một vài người trong số họ đang sử dụng quá mức những phương tiện này”, nhưng liệu có nhiều người “thừa nhận” họ đang bị cuốn vào vòng xoáy vô hình đó hay không – Dar Meshi, trợ lý giáo sư tại Đại học Michigan State University phát biểu trong bài công bố kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa hành vi sử dụng mạng xã hội và khả năng ra quyết định công bố vào tháng 01/2019. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng những người sử dụng mạng xã hội ít hơn có xu hướng thực hiện những nhiệm vụ được giao tốt hơn. Kết quả có lẽ không nằm ngoài dự đoán.

Chúng ta biết. Chúng ta đều biết. Chúng ta đều nhận thức được. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta dám dũng cảm bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình và đi ngược lại đám đông? Có bao nhiêu người trong chúng ta kiềm chế được cảm giác “tận hưởng” hạnh phúc nhất thời mà mạng xã hội đem lại?

Tôi quyết định đặt dấu chấm hết cho Facebook của mình. Những ngày đầu cầm điện thoại không còn những thông báo từ Facebook, tôi thấy hụt hẫng và bồi chồn. Tôi lên Quora đọc những dòng tâm sự từ những người từng rơi vào vòng xoáy lướt không hồi kết như tôi mong tìm kiếm một câu trả lời. Tôi tìm kiếm sự khỏa lấp từ những cuốn sách tôi luôn đem theo bên mình như một giải pháp thay thế. Tôi học thiền để học cách đem lại sự bình yên cho tâm trí hỗn độn như tơ vò. Đó thực sự là một “cuộc chiến” với bản thân để mang tôi lại là “tôi của quá khứ”.

Nghiện mạng xã hội đã hủy hoại tôi như thế nào? - Ảnh 2.

Có đôi khi tôi đổ lỗi cho những người đã khởi nguồn cho Facebook, nhưng tôi nhanh chóng trở lại thực tại. Facebook đem lại những lợi ích xã hội không thể chối cãi, nhưng đồng thời để lại những hệ lụy. Facebook chỉ thực sự đem lại “hạnh phúc” đúng nghĩa khi được sử dụng đúng cách. Lỗi, trước hết là ở tôi. Tôi đã không biết cách tạo kỉ luật cho bản thân để tôi chìm đắm trong những xúc cảm tiêu cực một thời gian quá dài.

Thoát khỏi Facebook là một cách detox bản thân, để tôi quay lại cuộc sống, để hít thở, để cảm nhận cuộc sống xung quanh như một “người bình thường”. Sau ba năm, tôi giờ đây có lẽ đã khác đi nhiều. Tôi hài lòng với cuộc sống “ngừng so sánh”. Tôi cho mình những khoảng lặng để bình yên.

Tôi đã và đang trên hành trình thực hiện những điều bấy lâu nay tôi bỏ quên trong tiềm thức, thực hiện những ước mơ tôi còn đang dang dở. Ánh mặt trời đã quay trở lại với tôi, ấm áp và dịu dàng.

Nhật Hạ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên