MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài những trường hợp di cư trái phép, các quốc gia phát triển tận dụng dân nhập cư để phát triển kinh tế như thế nào?

01-11-2019 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Lực lượng lao động trong nước ngày một già đi, tình trạng thiếu hụt chỉ căng thẳng hơn chứ không có dấu hiệu ngừng lại, những quốc gia phát triển như Canada hay Nhật Bản đang rất cần người nhập cư với mục đích kinh tế để giải quyết những vấn đề họ đang phải đối mặt.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang đối mặt với vô vàn khó khăn khi tận dụng dân nhập cư để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà không ảnh hưởng đến vấn đề chính trị. Chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativism) đã thúc đẩy Brexit tại Anh và gần như khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel mất đi nhiệm kỳ thứ tư. Tổng thống Trump cũng từng nói rằng hệ thống nhập cư của Mỹ bị "phá vỡ", dù một số đối thủ của ông có thể miễn cưỡng chấp nhận điều đó thì cả 2 phía cũng có rất ít điểm chung để hàn gắn điều đó.

Canada là nơi sử dụng hệ thống dựa theo điểm để "sàng lọc" dân di cư kinh tế - nhóm chiếm gần 60% người nhập cư ở đây. Phương pháp tính điểm dựa vào các tiêu chí như học vấn hay kinh nghiệm làm việc và đây cũng chính là lý do tại sao chỉ 27% người Canada coi người nhập cư là gánh nặng đối với quốc gia họ. Con số này là tỷ lệ thấp nhất trong số 18 quốc gia được Pew Research Center khảo sát vào tháng 3. 

Sự đồng thuận về dân nhập cư lại không có ở Nhật Bản, nơi người di cư chỉ chiếm chưa đến 2% dân số cả nước. Tại đây, chính phủ rất cẩn trọng khi cấp thẻ cư trú 5 năm, dù đây là chương trình được đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở một số ngành công nghiệp. Trong khi đó, chính sách của Mỹ Latinh đối với tình trạng di cư của người Venezuela lại được đưa ra rất vội vã và ngẫu hứng, có thể sẽ khiến số lượng công nhân không có giấy tờ tăng cao.

Người Mexico phải làm việc cực nhọc tại các nhà máy chế biến thịt gà của Mỹ, người Ấn Độ vất vả trên những công trường xây dựng ở Dubai, bảo mẫu người Philippines thường trông trẻ cho những gia đình trung lưu tại Malaysia. Họ nằm trong số khoảng 164 triệu lao động nước ngoài trên toàn thế giới, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế. Công việc của họ thường rất vất vả và đôi khi còn nguy hiểm, nhưng số tiền mà họ kiếm được trong năm 2017 là 480 tỷ USD, điều này khiến cho rủi ro đối với họ là đáng để đánh đổi.

Những câu chuyện dưới đây sẽ kể chi tiết về cách Canada, Nhật Bản và Colombia phản ứng với dân nhập cư.

Nhật Bản từ từ mở cửa

Nhật Bản, một quốc gia từ lâu phản đối việc nhập cư, đã chính thức cấp thị thực tạm thời cho lao động nước ngoài không lành nghề vào tháng 4. Sau nhiều năm cứng rắn, cho rằng tình trạng thiếu lao động của họ lại có thể được giải quyết bằng cách tuyển dụng thêm lao động nữ và sử dụng nhiều robot hơn, các chính trị gia Nhật Bản nhận ra những yếu tố đó là không đủ. Lực lượng lao động ngày càng già của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 23% trong 25 năm tới và những vị trí truyển dụng hiện đã vượt quá số lượng so với các ứng viên, trong các lĩnh vực như xây dựng và điều dưỡng.

Chương trình mới sẽ cấp phép cư trú 5 năm cho 345.000 lao động tay nghề thấp trong vòng 5 năm tới. Thực chất, đó chỉ là "một hạt cát trong sa mạc" so với những gì họ thực sự cần. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc mở ra một "con đường" cư trú vĩnh viễn còn vượt xa sự tính toán. Trong 5 qua, số lượng người làm việc tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi, lên gần 2 triệu, nhiều người đến với tư cách du học sinh hoặc qua chương trình thực tập cơ bản. Điều này cho phép Nhật Bản "nhập khẩu" hàng trăm nghìn công nhân được trả lương thấp với thị thực ngắn hạn mà không phải coi họ là người nhập cư.

Những người phản đối chương trình đào tạo lại nói rằng họ dễ bị lạm dụng bởi những một số công ty. Nhằm xoa dịu những ý kiến trái chiều, Thủ tướng Shinzo Abe lập luận rằng chương trình này "không phải là chính sách nhập cư", bởi lao động nước ngoài sẽ không được ở Nhật vĩnh viễn. Điều ít được nhắc đến hơn là luật pháp sẽ cho phép một số lao động gia hạn thị thực vô thời hạn và định cư tại Nhật, khi vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ.

Nguyễn Văn Linh: Rời Việt Nam, sang Nhật Bản làm trong ngành xây dựng

Ngoài những trường hợp di cư trái phép, các quốc gia phát triển tận dụng dân nhập cư để phát triển kinh tế như thế nào?  - Ảnh 1.

Công ty bất động sản KI-Star, từng thuê công nhân ngoài ngành xây dựng, nhưng vì thiếu lao động nên mức giá rất cao. Năm 2013, họ bắt đầu đưa thợ mộc từ Việt Nam sang vì chi phí lao động rẻ hơn nhiều. Linh là một thợ sửa chữa ở Hà Nội. Người đàn ông 32 tuổi này hiện đang quản lý một nhóm gồm 46 người khác cũng đến từ Việt Nam.

Ý tưởng này hợp lý hơn khi Nhật Bản đang mở cửa hơn với "con đường" cư trú vĩnh viễn. Linh có loại visa cho phép anh làm việc tại đây trong 5 năm tới, sau này có thể chuyển sang dạng cư trú ổn định. Chia sẻ với Bloomberg, anh nói rằng mình đã rất sợ hãi khi gia nhập KI vì chỉ có một mình, xung quanh toàn người Nhật. Anh hầu như không hiểu đồng nghiệp nói gì, nhưng làm việc mỗi ngày, mọi người lại rất thân thiện.

Sau đó, anh bắt đầu học cách đọc bản thiết kế, dịch tất cả sang tiếng việt, ghi lại vào sổ và ghi nhớ. Sau khoảng 5 tháng học hỏi, Linh có thể làm việc trực tiếp ở các công trường. Tính đến nay, anh đã xây dựng khoảng 50 ngôi nhà. Anh cho biết, chủ tịch của công ty luôn nói rằng: "Tiếp tục cố gắng, chúng tôi muốn anh trở thành cư dân thường trú và gắn bó với công ty." 80% trong số những người như anh đều muốn ở lại Nhật Bản vì mọi thứ rất dễ dàng và tiện lợi.

Hệ thống thang điểm của Canada

Năm ngoái, Canada đã đón nhận 321.040 người nhập cư, đây là con số lớn nhất kể từ năm 1913. Gần 60% người nhập cư kinh tế được chọn ở lại vì tiềm năng của họ có thể thúc đẩy sự phát triển của nước này.

Canada không phải lúc nào cũng khắt khe với việc lựa chọn người nhập cư. Sau 1 vài thập kỷ chứng kiến tình trạng di cư không được kiểm soát từ châu Âu thời hậu chiến, mối lo ngại bắt đầu tăng lên khi những người nhập cư mới không có cống hiến gì cho đất nước, Stephanie Bangarth, giáo sư ngành lịch sử tại Western University tại London. Năm 1967, Canada áp dụng một hệ thống xếp hạng dân nhập cư với các tiêu chí như tuổi, trình độ ngôn ngữ và kỹ năng.

Cũng như nhiều quốc gia phát triển, Canada phải đối mặt với triển vọng về tỷ lệ sinh thấp và thế hệ "baby boomber" đang đến tuổi nghỉ hưu. Nếu việc nhập cư bị ngăn chặn hoàn toàn, thì lực lượng lao động có thể mất 100.000 nhân sự mỗi năm, kể từ năm 2026. Hiện tại, có tới 580.000 công việc trong nền kinh tế 1,7 nghìn tỷ USD vẫn "trống trơn". Dân di cư làm việc trong ngành công nghệ đặc biệt quan trọng đối với Canada, bởi họ đang rất cần những bộ óc nhạy bén để xây dựng những công ty lớn hơn, Chris Arsenault - đối tác tại Inovia Capital, nhận định.

Osman Ansari: Có quyền cư trú sau 4 năm rời Pakistan

Ngoài những trường hợp di cư trái phép, các quốc gia phát triển tận dụng dân nhập cư để phát triển kinh tế như thế nào?  - Ảnh 2.

Osman Ansari làm quản lý dự án tại công ty fintech Koho Financial ở Toronto. Người đàn ông 30 tuổi này đến Canada năm 2015 để du học. Anh chia sẻ về việc được cấp thẻ cư trú là "một con đường gập ghềnh". Anh rời Pakistan vì muốn tìm một nơi yên bình để an cư lạc nghiệp. Kế hoạch ban đầu của Ansari là đến Mỹ bởi họ hàng anh sinh sống tại đó nhưng quy định nhập cư ở Mỹ quá khắt khe nên anh chuyển hướng sang Canada.

Đáng lẽ ra chỉ mất 6 tháng, nhưng phải tới 11 tháng anh mới có được tấm thẻ vì gặp vấn đề trong việc chứng minh rằng mình có khả năng hỗ trợ bản thân. Khi phỏng vấn, anh chưa làm việc tại Koho, gia đình cũng không sống cùng ở Toronto. Hiện tại, khi đã được cấp thẻ cư trú, Ansari trở thành một chiến lược gia kinh doanh nhằm giúp các công ty công nghệ phát triển.

Dòng người từ Venezuela kéo đến Colombia

Trong những năm gần đây, hơn 4 triệu người Venezuela đã trốn khỏi quê hương để thoát khỏi nạn đói và bạo lực triền miên. Trên thế giới, mỗi ngày, cuộc di cư lại có thêm 5.000 người. Với tốc độ hiện tại, nội chiến ở Syria sẽ tạo ra 6,3 triệu người tị nạn.

Đại diện chính phủ các nước láng giềng của Venezuela đã nhiều lần thảo luận để giải quyết dòng người di cư, vốn gây căng thẳng cho nguồn lực và khiến tăng trưởng kinh tế ở khu vực này tụt dốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các quốc gia Nam Mỹ cho đến nay vẫn không có được cách giải quyết đồng thuận. Thay vào đó, họ chuyển sang tăng cường kiểm soát dân nhập cư.

Colombia, có đường biên giới dài 1.400 dặm với Venezuela, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tị nạn. Họ phải tiếp nhận 1,6 triệu người di cư Venezuela - hiện chiếm khoảng 3% dân số, tăng gần như từ mức 0 trong 5 năm trước. Chính phủ Colombia ước tính, họ phải trả 1,5 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP, cho những người tị nạn.

Khoảng 600.000 người Venezuela ở Colombia đã được cấp phép để làm việc và tiếp cận hệ thống y tế. Tuy nhiên, chính phủ lại ngừng gần như hoàn toàn những quy định này vào tháng 12 năm ngoái, ngoại trừ những sĩ quan người Venezuela. Do đó, phần lớn người Venezuela cư trú tại đây đều không có giấy tờ.

Thực chất, người Venezuela luôn coi Colombia là một nơi nghèo nàn và bạo lực. Những người tị nạn có tay nghề cao và nhiều tiền sẽ cố gắng tìm nơi khác nếu có thể. Nhưng đối với số còn lại, thì họ không còn lựa chọn nào khác.

Là một người di cư từ bang Monagas của Venezuela, Nohemí Suáre đã ở Colombia từ năm 2017. 

Ngoài những trường hợp di cư trái phép, các quốc gia phát triển tận dụng dân nhập cư để phát triển kinh tế như thế nào?  - Ảnh 3.

Ở quê hương mình, Suáre nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và làm việc trong ngành dầu mỏ. Tại Bogotá, cô gái 29 tuổi này đã gia hạn thị thực để có thể ở lại đến năm 2021, làm bồi bàn và nhân viên giao hàng cho công ty Rappi. Chia sẻ với Bloomberg, cô cho biết mình làm việc từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sau đó đến tiệm bánh pizza để giao hàng, kết thúc công việc lúc 10 giờ tối.

Suáre quyết định rời Venezuela khi nhận thấy gia đình mình không thể chi trả cho những bữa ăn và đến Colombia làm việc để gửi tiền về cho mẹ. Hầu hết bạn bè của cô cũng đi khỏi quê hương, họ đến nhiều nơi trên thế giới để tìm việc, kiếm tiền. Từng là một người có nhiều mối quan hệ, nhưng giờ đây Suáre lại sống rất khép kín, cô phải làm việc cả tuần, rất hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi. Cô cho hay: "Khi rảnh rỗi, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi." 

Giang Ng

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên