MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài việc cho vay 1 tỷ USD, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhận tin vui từ Chủ tịch ADB

Các khoản vay cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ được mở rộng hơn trong lĩnh vực tài chính, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Mục tiêu của các khoản vay là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Đó là khẳng định của ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại buổi họp báo diễn ra chiều nay.

Chủ tịch ADB cho rằng vấn đề mấu chốt của Việt Nam là tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp Nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

Theo đó, ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức của năm 2015, dù có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Tăng trưởng được dự báo duy trì ở mức 6,5% trong năm 2017. Lạm phát được dự báo ở mức 3% trong năm nay, so với mức trung bình chỉ 0,6% của năm ngoái – mức thấp nhất từ năm 2001.

Những trọng tâm mà ADB sẽ hỗ trợ theo ông Takehiko Nakao, đó là cơ sở hạ tầng, bao gồm đường bộ và các hệ thống đường bộ, vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước.

Đồng thời, ADB sẽ tiếp tục tăng cường tính kết nối trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông, bao gồm Hành lang kinh tế Đông – Tây. ADB sẽ giúp Chính phủ xây dựng các chính sách rõ ràng và nhất quán về mức phân bổ năng lượng hợp lý và đảm bảo đáp ứng cam kết ở Việt Nam.

Đáng chú ý, Chủ tịch ADB cho biết sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP) phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.

Nói thêm về thông tin này, Chủ tịch ADB cho biết hiện chưa có doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nào có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng này, song đây lại là hoạt động rất quan trọng ở nhiều quốc gia. Điển hình như Myanmar, ADB bắt đầu cho doanh nghiệp tư nhân của nước này vay từ năm 2013 trong lĩnh vực viễn thông và năng lượng tái tạo.

“Do đó, trong thời gian tới việc cho vay với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ được đẩy mạnh, bởi đây sẽ là lĩnh vực mà ADB muốn tăng cường hơn nữa tại Việt Nam, song phải dựa trên nhu cầu” – Chủ tịch ADB nói.

Mới đây, ADB đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ ứng phó thảm họa châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng này để hỗ trợ giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chi tiêu đầu tư trong chi tiêu ngân sách CP, tỷ lệ này giảm là đúng, thảo luận chúng tôi với VN cơ quan CP nói vẫn muốn giữ tỷ lệ nhất định nhưng giảm chi tiêu cấp phát thông qua cải cách hành chính. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi tiêu y tế và giáo dục, quan trọng là tăng cường thêm nguồn thu nội địa để có nguồn vốn cho hoạt động đầu tư này.

Cũng theo thông tin từ Chủ tịch ADB, trong năm ngoái khoản nợ đáo hạn của Việt Nam đối với ADB là 400 triệu USD. Dự kiến, mức giải ngân năm nay là 800 triệu – 1 tỷ USD, như vậy số cho vay ròng sẽ là vào khoảng 400-600 triệu USD.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên