MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngồi vào bàn ăn, nhìn người luôn chủ động tiếp nước để biết ngay 3 phẩm tính cần học hỏi để nắm bắt lòng người

25-09-2019 - 20:44 PM | Sống

Đúng như lời dạy của Khổng Tử, hãy nhìn vào sự khác biệt bản chất thông qua những thói quen nhỏ nhất, chỉ một hành động nhỏ như tiếp nước cũng thể hiện rất nhiều.

Khổng Tử từng nói: "Bản chất của con người là giống nhau, chính thói quen là điều khiến mỗi người trở nên khác biệt". Muốn nhìn thấu một người, chúng ta phải thông qua từng thói quen và hành vi nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày của chính họ. Chính những lúc thư giãn thoải mái nhất như ăn, uống, ngủ, nghỉ là thời điểm tốt nhất để chúng ta nhận ra bản chất thật của một người.

Ngày nay, dù là xây dựng quan hệ xã giao, hay bàn chuyện công việc làm ăn, hay tụ tập bạn bè thân thiết, chúng ta vẫn thường gặp mặt bằng những bữa ăn, buổi tiệc để có nhiều thời gian chuyện trò lâu hơn cùng nhau. Khi ngồi vào mâm, có người thao thao bất tuyệt ăn to nói lớn, cũng có người rất ít góp vui, chỉ yên lặng dùng bữa. Gặp đủ loại người, chúng ta sẽ học được đủ loại kinh nghiệm khác nhau.

Trong đó, nếu để ý quan sát kiểu người thường xuyên chủ động tiếp nước, tiếp đồ ăn cho mọi người xung quanh, chúng ta có thể nhận ra, trong họ tồn tại những phẩm chất đáng suy ngẫm và học hỏi để cải thiện khả năng giao tiếp của chính mình.

Ngồi vào bàn ăn, nhìn người luôn chủ động tiếp nước để biết ngay 3 phẩm tính cần học hỏi để nắm bắt lòng người - Ảnh 1.

1. Họ biết cách tạo mối quan hệ tốt với người chủ trì

Khi một người chủ động nhận nhiệm vụ tiếp khách, chăm lo vấn đề đồ ăn thức uống cho những người xung quanh, họ có thể là người chủ trì bữa tiệc, hoặc cũng có thể là người có mối quan hệ thân cận, nhiệt tình đứng ra giúp đỡ cho người chủ trì chính.

Trong mọi quan hệ xã hội, bí quyết thành công chính là: Trước khi "nhận lấy" hãy tập cách "cho đi". Một sự có mặt, sự trợ giúp đúng lúc ý nghĩa hơn vạn lời hoa mỹ mà sáo rỗng. Quan tâm vừa đủ, tinh tế vừa đủ là nguyên liệu cần thiết cho công thức này. Ở đây, những người chủ động tiếp nước, tiếp đồ ăn, chăm sóc mọi người xung quanh trong buổi tiệc đã thực hiện công thức này rất chuẩn xác.

Thông qua những bữa tiệc như vậy, họ vừa có thể đạt được niềm tin tưởng của người tổ chức, vừa có cơ hội để tiếp xúc với rất nhiều khách khứa thuộc nhiều tầng lớp và địa vị xã hội khác nhau để thể hiện bản thân mình.

2. Họ có năng lực quan sát mạnh mẽ

Đóng vai trò là người hỗ trợ giúp bữa tiệc được tổ chức thành công hơn, công việc tiếp nước, tiếp thức ăn có lẽ không khó khăn, nhưng cũng không hề dễ dàng để làm tốt một cách hoàn hảo. Vì những người tham dự có thể đến từ nhiều tầng lớp và địa vị khác nhau, có những thói quen và tập tục khác nhau, cho nên, nếu muốn tiếp khách chu đáo nhất có thể, người đó phải luôn chú ý quan sát.

Hãy chú ý nhiều hơn đến thế giới xung quanh, kể những chi tiết nhìn qua có vẻ rất vụn vặt. Nhưng chính điều đó sẽ giúp bạn xử lý tốt hơn trong mọi việc, đặc biệt là vấn đề giao tiếp. Sự quan sát tỉ mỉ giúp chúng ta nhận ra những thói quen hành vi của người đối diện, nắm bắt được một phần sở thích của họ, từ đó đưa ra những phương hướng hành động đem tới kết quả tốt hơn.

Ngồi vào bàn ăn, nhìn người luôn chủ động tiếp nước để biết ngay 3 phẩm tính cần học hỏi để nắm bắt lòng người - Ảnh 2.

Chẳng hạn như, nếu bạn gắp thịt cho một người theo trường phái ăn chay vì đạo, hoặc bạn chấm mắm tôm cho một người dị ứng với mùi mắm, thì đó đúng là thảm họa.

Điều này không chỉ yêu cầu bản thân người tiếp khách phải có nhiều kinh nghiệm xã giao, mà lúc nào cũng phải ở trong tâm thế sẵn sàng, chủ động để tiếp xúc với những người lạ và có thể gặp rắc rối không ngừng.

3. Họ biết tận dụng lợi thế để xây dựng mối quan hệ rộng khắp

Dù chỉ đảm nhận công việc tiếp nước đơn giản nhưng họ cũng có thể được coi là đại diện của "chủ nhà" đứng ra tiếp đón khách khứa, do đó, họ sẽ có cơ hội để tiếp xúc với mỗi một nhân vật trong bữa tiệc. Thông qua đó, họ có thể thu hoạch được rất nhiều những mối quan hệ mới, có cơ hội từ từ vun đắp về sau, biến chúng trở thành vòng tròn xã giao của chính bản thân mình.

Khi họ đã có nhiều mối quan hệ, quen biết khắp các ngành nghề khác nhau, có giao thiệp với nhiều tầng lớp trong xã hội, những kiến thức và kinh nghiệm xã giao họ đạt được lại càng khôn khéo hơn. Khi sẵn sàng "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", chủ động tiếp xúc với nhiều kiểu người xung quanh, tìm hiểu thực tiễn, chúng ta mới có thể gặt hái nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn trên đường đời.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên