MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân vùng cao A Lưới chặt bỏ cây cà phê

17-07-2016 - 11:33 AM | Thị trường

Từng được xem là cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế) xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng, từ ngày Nông trường A Lưới giải thể, giá cà phê giảm mạnh đã khiến người trồng cà phê ở đây rơi vào cảnh lao đao; nhiều hộ dân buộc phải chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng loại cây khác.

Từ năm 1996, cây cà phê được đưa vào trồng thí điểm tại huyện A Lưới. Nhận thấy loại cây này thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cho năng suất cao, chính quyền địa phương chủ trương mở rộng diện tích trồng cà phê để giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Hàng trăm hộ dân ở các xã: Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Bắc… nỗ lực khai hoang, cải tạo đất để trồng loại cây có giá trị này.

Trước lợi ích kinh tế do cây cà phê mang lại, năm 2001, Nông trường A Lưới được thành lập với sự tham gia của hơn 700 hộ dân trên địa bàn huyện để mở rộng diện tích trồng cây cà phê lên đến 340ha. Theo đó, Công ty Vinacafe Quảng Trị (Quảng Trị) làm đầu mối cung cấp giống, phân bón và thu mua sản lượng cà phê sau khi thu hoạch. Tuy nhiên vào năm 2011, Công ty Vinacafe Quảng Trị tuyên bố phá sản do làm ăn thua lỗ nên ngừng thu mua cà phê từ Nông trường A Lưới.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn cà phê rộng gần 1ha đã bị chặt bỏ hơn một nửa, ông Hồ Văn Liền ở thôn A Bung (xã Nhâm) bày tỏ sự thất vọng. Ông Liền cho hay, để có đất trồng cà phê, nhiều năm trước vợ chồng ông ra sức khai hoang khu đồi gần nhà sau đó nhận giống từ Công ty Vinacafe Quảng Trị để trồng. Sau 4 năm chăm sóc, trừ các khoản chi phí thì vợ chồng ông thu lợi 30 triệu đồng/vụ thu hoạch.

“Tuy nhiên từ đầu năm 2012 đến nay, vì công ty thu mua cà phê phá sản, trong khi giá cà phê thị trường mỗi ký chỉ còn khoảng 2.500 đến 3.000 đồng. Có thời điểm cà phê đến kỳ thu hoạch chín rục, nhưng vì giá thuê nhân công hái mỗi ngày 200.000 đồng nên đành phải bỏ. Vì thế, vợ chồng tôi quyết định chặt bớt diện tích cây cà phê để chuyển sang trồng sắn...”.

Ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm cho biết, toàn xã có trên 500 hộ dân, với 2.228 khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Tà Ôi, trước đây có đến 80% số hộ dân tham gia trồng cà phê. Tuy nhiên, vì Công ty Vinacafe Quảng Trị phá sản, Nông trường A Lưới giải thể đã đẩy người dân rơi vào cảnh khó khăn, đó là chưa kể đến các khoản “nợ xấu” từ ngân hàng của nhiều hộ dân. Trước tình thế đó, rất nhiều hộ dân đành chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng các loại cây như chuối, sắn để có thu nhập. Trong 340ha cà phê được trồng trên địa bàn huyện thì đến nay người dân đã chặt bỏ chỉ còn 45ha cà phê.

Sau khi Công ty Vinacafe Quảng Trị tuyên bố phá sản, TAND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý vụ phá sản của công ty này. Theo đó, mức định giá của cơ quan chức năng đưa ra đối với 340ha diện tích cây cà phê ở Nông trường A Lưới là 35 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà phê đầu tư tại xã Nhâm là 4,7 tỷ đồng.

Toàn bộ diện tích đất do hơn 700 hộ dân ở các xã Nhâm, Hồng Thái, Hồng Bắc... góp vào quỹ đất trồng cây cà phê trước đó đều bị “kê biên” chờ thanh lý. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào muốn thanh lý, đấu giá diện tích đất cà phê của Nông trường A Lưới phải hỗ trợ cho người dân 35 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến nay hàng trăm héc-ta đất cà phê vẫn chưa thể thanh lý, cây cà phê bị bỏ hoang trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Trước thực trạng “tiến thoái lưỡng nan” đối với cây cà phê, UBND huyện A Lưới đã thành lập Ban quản lý diện tích cà phê của Nông trường cà phê A Lưới và cho các hộ dân tạm ứng 130 tấn phân bón, đồng thời lên phương án hỗ trợ 40% giá trị vườn cây đối với hộ nghèo, 30% đối với hộ cận nghèo và 20% đối với các hộ dân còn lại... để người dân mua lại đất, vườn cây của nông trường này.

Tuy nhiên qua trao đổi, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Chính quyền huyện A Lưới đã kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có biện pháp giải quyết dứt điểm sự việc này để hàng trăm hộ dân trồng cà phê sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất...

Theo Anh Khoa

Công an nhân dân

Trở lên trên