MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người giàu nhất Nhật Bản: "Không có tâm hồn, một công ty sẽ chẳng là gì cả"

04-11-2017 - 14:42 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch kiêm CEO Tadashi Yanai của Fast Retailing (công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo) là người giàu nhất Nhật Bản luôn mang theo "23 Nguyên tắc Quản lý" ông viết từ 40 năm trước.

Qua nhiều năm, ông dần đưa thêm những nguyên tắc mới vào danh sách. Đây chính là triết lý kinh doanh tiềm ẩn giúp Yanai biến nhà may do cha để lại thành đế chế thời trang toàn cầu với doanh thu năm tài chính 2015 lên tới 1,68 nghìn tỷ Yên (hơn 335 nghìn tỷ đồng).

Con đường dẫn tới thành công của vị tỷ phú không hề bằng phẳng và 23 nguyên tắc này phản ánh những bước ngoặt trong cuộc hành trình của ông. Hiện nay, cả doanh nhân 67 tuổi và hàng chục ngàn nhân viên của Fast Retailing trên khắp thế giới đều mang theo tập thẻ nhựa in các "bí kíp" này.

Con đường gian khổ

Năm 1949, cha của ông là Hitoshi Yanai mở Ogōri Shōji (tên cũ của Fast Retailing) ở thị trấn công nghiệp Ube, phía Nam đảo Honshu và chuyển thành tập đoàn vào năm 1963.

Khi còn là sinh viên, Yanai không hề muốn làm việc. "Làm thế nào để tôi có thể chơi cả đời thay vì làm việc? Đó là điều quan trọng nhất trong tâm trí tôi lúc đó", ông chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp, ông sớm phải đối mặt với thực tế là kiếm tiền. Ông dành một năm làm việc cho một nhà bán lẻ khác trước khi về làm trong nhà may của cha vào năm 1972.


Tadashi Yanai tại một cửa hàng Uniqlo ở Nhật

Tadashi Yanai tại một cửa hàng Uniqlo ở Nhật

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông khiến 6/7 nhân viên của công ty bỏ việc. "Hồi đó, tôi rất kiêu ngạo và nhân viên đều nghĩ tôi sẽ trở thành CEO của công ty, vì vậy 6 người quyết định ra đi", ông nhớ lại. Vì vậy, Yanai phải làm mọi thứ, từ lau dọn, làm sạch áo khoác đến tìm nguồn cung ứng. Ông nhanh chóng học cách đưa khách hàng lên đầu. "Nếu không có khách hàng, một doanh nghiệp không thể duy trì được", vị chủ tịch khẳng định.

Dần dần, công ty quyết định mở thêm các cửa hàng và tuyển thêm nhiều nhân viên. Để mọi người hiểu được tầm nhìn và cách làm việc của mình, ông bắt đầu phát những tấm thẻ nhựa có in bộ "Nguyên tắc Quản lý".

Yanai viết 7, 8 nguyên tắc đầu tiên khi cha ông vẫn điều hành công ty và bổ sung các nguyên tắc còn lại sau năm 1984, khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch. Năm đó, công ty cũng mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên (với tên gọi Unique Clothing Warehouse) tại thành phố Hiroshima.

Từ nhà may sang thời trang casual

Yanai nhận ra tiềm năng to lớn của Nhật Bản sau khi đến châu Âu và Mỹ và phát hiện ra những chuỗi quần áo casual (đồ thường phục) như Benetton và Gap. Ông quyết tâm biến việc kinh doanh may đo gia đình sang quần áo casual, mua hàng số lượng lớn với giá rẻ. Ông cũng quan sát thấy rằng hầu hết các chuỗi thời trang nước ngoài đều phát triển theo chiều dọc, kiểm soát toàn bộ quy trình từ thiết kế đến sản xuất rồi bán lẻ.

Yanai bắt đầu đưa ra sản phẩm nhãn hiệu riêng của mình vào năm 1995. Đến thời điểm đó, công ty đã có một chuỗi cửa hàng Uniqlo nằm ở các khu vực ngoại ô với giá thuê nhà thấp. Vị chủ tịch cũng đổi tên công ty thành Fast Retailing, khẳng định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ra quyết định nhanh hơn các công ty khác.


Một cửa hàng flagship của Uniqlo ở Thượng Hải

Một cửa hàng flagship của Uniqlo ở Thượng Hải

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không hề dễ dàng. Uniqlo từng buộc phải đóng cửa 3 dây chuyền nhãn riêng ngay sau khi ra mắt và cũng không được người tiêu dùng sành sỏi ở Tokyo ưa chuộng vì nghĩ là đồ "nhà quê".

Nhận thức của khách hàng bắt đầu thay đổi nhờ sự ra đời của một cửa hàng 3 tầng tại khu phố Harajuku ở trung tâm Tokyo và thành công rực rỡ của sản phẩm áo khoác len của Fast Retailing vào năm 1998. Doanh thu đạt mức cao kỷ lục nhưng không kéo dài. Người mua hàng bắt đầu quay lưng lại khi thương hiệu trở nên quá phổ biến. Năm 2002 là lần đầu tiên công ty công bố doanh số bán hàng giảm trong 18 năm.

Tồi tệ hơn, hàng loạt hoạt động kinh doanh của Yanai ở nước ngoài cũng thất bại. Cửa hàng Uniqlo mở cửa năm 2001 tại khu Knightsbridge của London, tiếp theo là 20 cửa hàng trong và xung quanh thành phố phải đóng cửa. Cuộc tấn công đầu tiên của Fast Retailing vào Trung Quốc cũng không thành công. Nhưng Yanai vẫn không nản chí.

Theo thời gian, ông coi thất bại như một cơ hội học tập và là hạt giống của thành công trong tương lai. "Giải pháp duy nhất là tiếp tục thay đổi và tiếp tục thách thức bản thân", Yanai chia sẻ.

Năm 2004 là một năm quan trọng cho Fast Retailing. Không chỉ bắt tay vào một loạt các vụ mua lại ở nước ngoài, bắt đầu với Link International (nay là Link Theory Japan), ông cũng chú ý hơn vào chất lượng và đặt quảng cáo trên các tờ báo lớn với khẩu hiệu "chất lượng trước, giá cả sau". Trong cùng năm đó, học tập những đối thủ cạnh tranh như Zara và H&M, Yanai mở cửa hàng lớn đầu tiên của Uniqlo tại Osaka, hình mẫu cho thành công của các cửa hàng flagship toàn cầu từ New York đến Thượng Hải.

Ngày nay, Fast Retailing là một tập đoàn khổng lồ toàn cầu với thành công vượt ra ngoài Nhật Bản. Tại đây tuy chiếm khoảng 82% doanh thu của công ty nhưng 840 cửa hàng Uniqlo cũng đã khiến thị trường bão hòa. Uniqlo đã đạt được tiến bộ đáng kể ở Trung Quốc và sắp đạt mốc 1.000 cửa hàng.

Theo Dương Tống/ Theo Business of Fashion

Người đồng hành

Trở lên trên