MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt làm việc thua Lào và lời khuyến nghị của CEO May 10: Xin tuyên truyền để người lao động Việt hiểu rằng, cái gì của họ cũng tốt, trừ ý thức

Năng suất lao động của người Việt năm 2016 đã thua cả Lào, chỉ bằng 7% của Singapore, và bằng 42,3% của Indonesia – quốc gia được coi như đối thủ của Việt Nam trong việc hút FDI. Thừa nhận con người là yếu tố quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, nhưng sếp của Tổng công ty May 10 cho biết: Lao động nào mới vào cũng đều phải đào tạo về ý thức và trách nhiệm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; và bằng 87,4% của Lào.

Vấn đề tăng năng suất lao động cũng là vấn đề của nhiều doanh nghiệp. Tại sự kiện CEO Forum 2018 mới đây, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – đã đưa ra khảo sát các doanh nghiệp chọn phương án để tăng năng suất lao động: Nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý; Đầu tư công nghệ; Đào tạo nhân viên; hay Cắt giảm chi phí và Cắt giảm nhân công?

Kết quả: 62% người tham dự chọn phương án tăng năng suất bằng cách Nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, 19% chọn Đầu tư công nghệ và Đào tạo nhân viên. Không một doanh nghiệp nào lựa chọn cắt giảm chi phí và nhân công.

Đồng tình với các giải pháp mà TS. Thành nhận định là "đậm chất nhân ái của người Việt", bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – cho biết, May 10 đã áp dụng công nghệ rất nhiều để tăng năng suất lao động trong công ty.

Ví như công đoạn dán túi, theo phương pháp thủ công, cần 3 lao động, thợ dán túi phải là thợ có tay nghề 1 năm trở lên. Nhưng giờ với máy dán túi tự động trị giá 35.000 Eur, chỉ cần 1 người thợ phụ và 1 nhân viên học việc cũng có thể thao tác trong 10 giây.

Bên cạnh đó, May 10 cũng có cơ chế lương khá cạnh tranh mà bà Huyền cho biết thuộc hàng top trong khối doanh nghiệp Việt Nam, dù năng suất lao động không tăng tương ứng với mức tăng lương cho người lao động.

"Chúng tôi chưa bao giờ sa thải bất kỳ một lao động nào, mà chỉ có người lao động bỏ doanh nghiệp", bà Huyền chia sẻ.

Lao động Việt cái gì cũng tốt, trừ ý thức!

Người Việt làm việc thua Lào và lời khuyến nghị của CEO May 10: Xin tuyên truyền để người lao động Việt hiểu rằng, cái gì của họ cũng tốt, trừ ý thức - Ảnh 1.

"Tôi luôn phải có cơ chế giám sát các bộ phận có làm tốt hay không, vì tính chủ động của người lao động không tự giác", ông Phạm Văn Tam – CEO hãng sản xuất điện tử Asanzo.

Với ngành thâm dụng lao động như may mặc (chưa nói đến dệt), hiện tượng "nhảy việc" diễn ra thường xuyên với lý do chính là lương. Có lao động bên khác trả lương cao hơn, họ bỏ. Có lao động DN chi tiền đào tạo xong, họ bỏ.

Năm 2015, vị CEO này cũng phải than thở khi May 10 mỗi năm phải bỏ ra 2 – 3 tỷ đồng để trả trợ cấp thất nghiệp vì người lao động "nhảy tanh tách".

Đến với sự kiện lần này, bà Huyền cũng kiến nghị xem lại Bộ luật Lao động, khi luật hiện hành thiên về bảo vệ người lao động quá nhiều khiến doanh nghiệp bà đang phải gồng mình chịu đựng.

"Bộ luật Lao động cần công bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động", bà Huyền kiến nghị.

"Tôi nghĩ toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta phải làm sao tuyên truyền cho người lao động Việt Nam hiểu rằng: Cái gì của người lao động Việt Nam cũng tốt, riêng cái ý thức thì phải tuyên truyền để người lao động tự trau dồi ý thức, trách nhiệm và chăm chỉ nâng cao kỹ năng".

Cũng theo bà Huyền, một lao động mới vào của May 10 sẽ được đào tạo về mặt ý thức, trách nhiệm, và tư duy để họ gắn bó, sáng tạo. Còn việc đào tạo kỹ năng để làm việc thì May 10 không coi là quan trọng.

Chia sẻ về năng suất lao động tại doanh nghiệp mình, ông Phạm Văn Tam – CEO hãng sản xuất điện tử Asanzo – cũng cho biết năng suất lao động của tập đoàn ông chắc chắn cao.

Lý do là trong 5 năm phát triển, ông Tam đã đưa thêm bộ phận giám sát vào để "thúc họ làm, vì đại đa số công nhân tính tự lập không có".

"Đa số đào tạo xong phải có giám sát kèm sau lưng. Trong khi đó, các nhà máy cả nước ngoài bộ phận giám sát rất ít, đa số công nhân và trưởng bộ phận tự chủ động vấn đề sản xuất. Đó là cái dở của người lao động Việt Nam".

Ông Tam cho biết, bản thân ông là Tổng Giám đốc vẫn phải làm hết mọi việc từ làm thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, vừa lo sản xuất, chăm sóc khách hàng không qua khâu trung gian.

"Tôi luôn phải có cơ chế giám sát các bộ phận có làm tốt hay không, vì tính chủ động của người lao động không tự giác", ông Tam nói.



Theo Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên