MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn cung hạn chế vàng dễ làm giá

18-07-2016 - 09:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Cơn bão vàng những ngày đầu tháng 7 đã đi qua nhưng để lại không ít vấn đề. Thực tế cho thấy, việc mua vàng theo hiện tượng té nước theo mưa của người dân một lần nữa phải nếm trái đắng do không kịp trở tay, vì giá vàng trong nước diễn biến cực đoan so với diễn biến giá vàng thế giới.

Mới đây, những ai nhanh nhạy có thể dễ dàng thu lợi lớn khi vàng tăng thẳng đứng từ mức trên 37 triệu đồng/lượng lên 40 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 2 ngày (5 và 6-7). Sự tăng giá đột biến của vàng trong nước được cho do giá vàng thế giới tăng dưới tác động của Brexit, cộng với chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu đề án tái huy động vàng trong dân đã kích thích sức mua của người dân.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo lâu năm trong ngành vàng, lực mua vàng mạnh chủ yếu đến từ các tổ chức, trong đó có cả NHTM, và họ không phải đợi đến lúc vàng nóng trong các ngày 5 và 6-7 mà đã âm thầm mua từ những ngày trước đó. Một phần, các tổ chức này đã có đánh giá, dự báo được phần nào giá vàng thế giới sẽ bị tác động và được hỗ trợ bởi Brexit. Do đã mua được vàng giá rẻ trong những ngày trước đó, nên khi mặt hàng kim loại quý này leo thang trong ngày 5 và 6-7, họ đã đẩy hàng ra để kiếm lời.

Một nhân viên của Sacombank cho biết trong những ngày giá vàng cao, bộ phận mua - bán vàng miếng của NH đã phải tăng tốc lực làm việc, do khách hàng tới giao dịch khá đông. Đáng chú ý, khi vàng tăng giá mạnh chủ yếu các khách hàng giao dịch mua.

Chính điều này đã tạo cơ hội kiếm lời cho các nhà kinh doanh vàng miếng khi giãn biên độ niêm yết giá mua-bán lên đến hàng trăm ngàn đồng. Cụ thể, trong ngày 5-7, giá mua và giá bán cách nhau từ 300.000-550.000 đồng/lượng. Giải thích về hiện tượng này, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành vàng tại TPHCM khẳng định không phải do các nhà kinh doanh vàng tự ý điều chỉnh, mà do cung-cầu thị trường quyết định.

Thực tế, do cung vàng miếng lâu nay trên thị trường nội địa bị hạn chế kể từ khi Nghị định 24 được ban hành nhằm thu hẹp kinh doanh vàng miếng và chỉ cho giao dịch mỗi nhãn hiệu SJC. Trong khi đó, cầu về vàng luôn có, thậm chí tăng mạnh mỗi khi vàng tăng.

Lúc này, các nhà kinh doanh vàng chốt được giá nào từ nguồn bán sẽ niêm yết giá bán ra theo nguồn cung, vì vậy khó tránh được việc biên độ mua - bán giãn mỗi khi vàng cao giá. Hơn nữa, thị trường vàng trong nước đã bị khép kín so với thế giới khi không còn được nhập - xuất trong nhiều năm qua. Điều này đã làm cho thị trường vàng bị méo mó và giá trong nước thường diễn biến cực đoan so với giá vàng thế giới.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), khi người tiêu dùng mua vào ở thời điểm vàng cao giá coi như đã chấp nhận lỗ và chờ giá tăng, song giá vàng những ngày sau đó đã không tăng như kỳ vọng, ngược lại còn quay đầu giảm. Và khi vàng có hiện tượng quay đầu trong giữa phiên sáng ngày 7-7, nhiều người lo lắng bán lại cho NH, cửa hàng kinh doanh vàng, kể cả chấp nhận lỗ, do lo ngại vàng sẽ xuống giá trong những ngày tiếp theo.

Trong cơn bão vàng ở thị trường nội địa diễn ra vào ngày 5 và 6-7 vừa qua, không ít người bất chấp lao vào vàng, cho dù giá trong nước và thế giới chênh nhau đến hàng triệu đồng/lượng. Kết quả, chỉ sau 3 ngày nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng khi vàng quay đầu giảm.

Trong những ngày vàng cao giá, mặc dù NHNN đã lên tiếng để chấn chỉnh tâm lý thị trường và cho biết sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, đánh giá đưa ra từ một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng nếu muốn “cầm cương” thị trường vàng như đã từng tuyên bố và được lặp lại mới đây, NHNN cần tung vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình ra bán (như thực hiện trong năm 2014) với giá chỉ định nào đó thấp hơn giá thị trường. Nếu không, giá vàng trong nước dễ bị đội lên nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và lực cầu thị trường nội địa tăng mạnh.

Theo Phương Anh

Sài Gòn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên