MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn tiền để tăng lương cơ sở: Phải tinh giản biên chế

22-10-2019 - 17:29 PM | Xã hội

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 22.10, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, để thực hiện tăng lương cơ sở, Chính phủ cần đẩy mạnh việc tin giản biên chế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiền đâu để tăng lương?

Chiều qua 21.10, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã  đề xuất tăng lương  cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng/tháng từ năm 2020 (tăng thêm 110.000 đồng/tháng). Theo ông, đề xuất này có khả thi không?

- Theo Nghị quyết của Quốc hội, trước khi thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2021 sẽ điều chỉnh nâng mức lương cơ sở bình quân mỗi năm 8%.

Năm ngoái chúng ta đã tăng lương 7%. Năm nay, nếu mức tăng là 110.000 đồng thì tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần Nghị quyết. Thực hiện được nâng mức lương cơ sở cho khối hành chính vào năm 2020 thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021.

Vấn đề là Chính phủ cân đối ngân sách cải cách tiền lương từ đâu. Đây là vấn đề quan trọng.

Ngoài những đề xuất nói rằng phải giảm chi hành chính, tiết kiệm tăng nguồn thu ngân sách, Chính phủ phải lưu ý là chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… thì phải dùng số tiền từ việc tinh giản công chức, viên chức ra khỏi bộ máy để cải cải tiền lương.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức bộ máy chính trị của chúng ta rất chậm và hiệu quả chưa cao. Điều này sẽ tác động rất lớn đến vấn đề cải cách tiền lương. Bởi bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi, chúng ta sẽ lạm phát về tiền lương.

Tiền lương là chi trả theo sức lao động và phải cân đối với cung-cầu hàng hóa trên thị trường. Nếu tăng lương mà giá tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa.

Vậy nên tôi cho rằng muốn cải cách chính sách tiền lương, hơn 1 năm nữa thôi, chúng ta phải nhanh chóng, tích cực giảm nhẹ bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu Nhà nước giao cho đơn vị chứng năng, nhiệm vụ gì, thì Nhà nước trả tiền dịch vụ công đó.

Ông có ý kiến thế nào khi Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nếu tăng lương cơ sở thì sẽ làm tăng chi thường xuyên?

- Điều này là đương nhiên, tăng lương sẽ làm tăng chi thường xuyên, trong khi mình đang muốn giảm chi thường xuyên. Nhưng việc tăng lương là Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo đời sống của người lao động.

Vấn đề là Chính phủ cần điều hành kinh tế vĩ mô làm sao để không tăng chỉ số giá sinh hoạt và phải tiếp tục cải cách bộ máy hành chính.

"Cân đối để cải cách tiền lương có tính chất quyết định, trong đó hai vấn đề quan trọng là giảm nhẹ biên chế và tiết kiệm các khoản chi xăng, xe, phương tiện, điều kiện để bổ sung vào cải cách tiền lương".

Như ông vừa nói, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp đang thực hiện chậm, ông có niềm tin sẽ thực hiện được việc tăng lương?

- Đến giờ phút này theo báo cáo của Bộ Nội vụ thì rõ ràng sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước rất chậm so với yêu cầu. Đến năm 2020 chúng ta phải giảm bình quân 10%. Tuy nhiên cái giảm này không có tính chất quyết định, bởi trong quá trình thực hiện chứng năng, vị trí việc làm sẽ có đơn vị giảm biên chế, có đơn vị biên chế tăng lên.

Bộ máy nhà nước của chúng ta thực chất có hơn 300.000 công chức, quản lý nhà nước và không chiếm tỉ trọng cao trong dân số. Quan trọng là xử lý khu vực viên chức, vì khu vực này đang có khoảng 2,2 triệu người.

Tăng lương là động lực tăng năng suất lao động

- Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế, với đề xuất tăng lương vào năm sau, sẽ phải dùng đến 40% khoản tăng thu của ngân sách địa phương, 50% khoản tăng thu của ngân sách trung ương. Theo ông, việc này có đe dọa tới các nguồn chi đầu tư không?

Điều đó chắc chắn sẽ đe dọa đến vấn đề đầu tư cho xây dựng  hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn năng suất lao động có hiệu quả thì đầu tư cho tiền lương cũng chính là đầu tư cho phát triển.

Tôi nghĩ rằng tiền lương thậm chí trong giai đoạn hiện nay, khi tiền lương của công chức, viên chức đang thấp thì đầu tư cho tiền lương có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu suất, hiệu quả công tác hay nói cách khác tạo ra năng suất lao động.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư cho người lao động thông qua cải cách chính sách tiền lương chính là đầu tư phát triển.

Ngoài ra, để có tiền thực hiện tăng lương, tôi cho rằng cần hết sức tiết kiệm, không chỉ là xe công mà tất cả các công cụ, vật tư có tính chất công.

Bên cạnh đó cũng phải từng bước thực hiện lộ trình đưa khoán xe và các thứ khác vào tiền lương để người lao động chủ động, tiết kiệm phương tiện của nhà nước, tránh chuyện lãng phí không cần thiết.

Theo Đặng Chung - Cao Nguyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên