MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Làm SGK sử dụng một lần là "không bình thường, quá lãng phí"

20-09-2018 - 14:29 PM | Xã hội

Theo GS Phạm Minh Hạc, việc in bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa để buộc học sinh năm nào cũng phải mua mới "là không bình thường, không tốt".

Nhiều nước đã dừng gộp bài tập vào sách giáo khoa vì không hiệu quả

Câu chuyện về các cuốn sách giáo khoa có chung bài tập, học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách dẫn đến chỉ dùng được một lần rồi bỏ đi gây lãng phí ghê gớm đã được nhắc đến trong nhiều năm qua.

Đến những ngày gần đây, vấn đề này lại tiếp tục nóng lên khi được các đại biểu đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trao đổi với PV vào sáng 20/9, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, khi ông còn công tác, một số nước trên thế giới có gộp phần bài tập vào trong sách giáo khoa để học sinh ghi vào tuy nhiên, ngay sau đó, đã dừng vì không hiệu quả.

"Thời kỳ chúng tôi không cho in chung bài tập vào sách giáo khoa, bởi, chúng ta còn nghèo, nhiều vùng núi, sâu, xa rất khó khăn nếu in chung, để học sinh viết trực tiếp vào như vậy, cuốn sách sẽ chỉ sử dụng được 1 lần, gây ra nhiều lãng phí cho phụ huynh, xã hội.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, tôi không biết lý do tại sao việc in chung lại được thực hiện, gây ra nhiều ý kiến, phản ứng của xã hội về vấn đề lãng phí", GS Hạc nói.

Theo GS Hạc, việc in bài tập trực tiếp vào SGK để buộc học sinh năm nào cũng phải mua mới "là không bình thường, không tốt" và một bộ sách trên thế giới chu kỳ dùng khoảng 8-10 năm, Việt Nam trước đây 20 năm, nhưng giờ lại kéo ngắn chu kỳ chỉ 1 năm sẽ "khó chấp nhận, quá lãng phí".

"Hãy nhìn lên hình ảnh các trẻ em nghèo vùng núi, vùng bão lũ, sách vở không có mà học, huống chi mua mới hàng năm và nhìn thấy viễn cảnh đang xảy ra tôi rất buồn.

Tôi mong Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ cần cho kiểm tra lại việc này để có xử lý, giải thích phù hợp", GS Hạc nêu.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định, thời kỳ ông còn công tác, mỗi môn học có một quyển sách giáo khoa riêng và khuyến khích sử dụng nhiều năm qua các thế hệ.

"Hiện nay, mỗi lớp có mười mấy môn học đi kèm với đó là SGK, sách bài tập, sách tham khảo... mỗi năm Nhà xuất bản bán ra lượng sách khổng lồ, nên việc in chung bài tập trong SGK cho học sinh viết vào, làm sách không thể tái sử dụng cho thế hệ sau là đại lãng phí", PGS Nhĩ nêu.

Ông chỉ rõ, như các đại biểu Quốc hội đã nêu ra, mỗi năm xã hội chi đến 1.000 tỷ để mua sách giáo khoa là con số rất lớn.

 Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Làm SGK sử dụng một lần là không bình thường, quá lãng phí - Ảnh 1.

PGS Trần Xuân Nhĩ.

"Nếu chia tách bài tập với sách giáo khoa ra, tôi nghĩ sách bài tập mỗi năm có mua chỉ hết khoảng 100 tỷ còn lại là kinh phí mua sách giáo khoa khoảng 900 tỷ.

Như vậy, nếu học sinh dùng một năm rồi bỏ sách bài tập, chúng ta chỉ mất 100 tỷ còn lại 900 tỷ cho sách giáo khoa vẫn được tái sử dụng cho các năm sau, thế hệ tiếp theo.

Còn mỗi cuốn sách giờ đây in xong chỉ dùng một lần rồi bỏ làm phế liệu, trong khi còn rất nhiều học sinh vùng khó khăn còn đang thiếu sách, hàng năm vẫn cần từ thiện cung cấp SGK là điều khó chấp nhận", PGS Nhĩ bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, bản thân ông và không ít người cũng nhận thấy rõ vấn đề "có lợi" khi in sách giáo khoa mà chỉ sử dụng được một lần như thế này.

"Rõ ràng, nếu in gộp chung, sử dụng sách giáo khoa một lần như thế này thì như đại biểu Quốc hội đưa ra, mỗi năm sẽ có 1.000 tỷ đồng dành cho sách này.

Còn nếu chia ra, năm nay 1.000 tỷ nhưng sang năm chúng ta sẽ chỉ cần 100 tỷ và bổ sung thêm cho sách giáo khoa bị hỏng, không sử dụng được.

Chi cả nghìn tỷ đồng mua sách rồi bán giấy vụn

Trao đổi với PV, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ông không am hiểu cụ thể về việc sách giáo khoa có viết trực tiếp lời giải bên trong, sử dụng một lần, tuy nhiên, đây có thể là các loại sách giáo khoa "lai" chức năng với vở bài tập.

"Theo tôi đây có thể là một cách, thủ thuật biên soạn sách giáo khoa chứ không phải lỗi khi để các chỗ trống trong sách để học sinh điền vào. Còn cái chính là do giáo viên hướng dẫn và học sinh sử dụng.

Nếu cứ thế điền vào các chỗ trống đó sẽ không sử dụng lại được còn muốn sạch sẽ, để sử dụng tiếp thì cần có cuốn vở ghi bên ngoài", GS Báo nói.

 Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Làm SGK sử dụng một lần là không bình thường, quá lãng phí - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, quan điểm của ông không nên để lại các "dấu tích" trên sách giáo khoa vì quá lãng phí.

"Nếu tôi là người dạy, chắc chắn tôi sẽ không cho học sinh viết vào sách giáo khoa bởi đó là sự lãng phí tiền của và các năm sau sẽ không dùng được cuốn sách này.

Tôi sẽ cho học sinh dùng vở riêng để chép ra, việc này chưa có kiểm chứng so với viết vào sách giáo khoa có tiết kiệm hơn không nhưng chắc chắn giúp sách giáo khoa sạch sẽ, thế hệ sau dùng được và học sinh có cơ hội quan trọng để viết lại, rèn luyện cách học tốt hơn", GS Báo nêu.

Trước ý kiến cho rằng, việc cho học sinh viết vào SGK là "thủ thuật, tiểu xảo" để bán sách, GS Báo cho hay, nhiều người có thể đưa ra suy luận này, bởi thực tế, SGK chỉ dùng được một lần nên người dân phải chi cả nghìn tỷ đồng mua sách rồi "phải bán giấy vụn và năm sau tiếp tục mua mới".

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên