MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên PGĐ Công an TP.HCM: 'Hiệp sĩ' không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

15-05-2018 - 14:31 PM | Xã hội

Theo nguyên PGĐ Công an TP Hồ Chí Minh, dù anh dũng, xả thân vì nghĩa hiệp song khi "lâm trận" các "hiệp sĩ" không được ai bảo vệ mà tự xử lý, dẫn đến gặp nguy hiểm, thiệt mạng.

Họ đã xả thân vì nghĩa hiệp

Tối 13/5, trong quá trình vây bắt nhóm trộm xe SH, hai "hiệp sĩ" và một người dân ở TP.HCM bị nhóm này dùng hung khí đâm tử vong, 3 người khác bị thương.

Theo dõi vụ việc này, nhiều người cho rằng, nếu muốn các nhóm "hiệp sĩ" hoạt động hiệu quả, cần có biện pháp để giúp họ đảm bảo an toàn khi tham gia vây bắt trộm cướp.

Trao đổi với PV, Đại tá Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nguyên chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát, cho biết lực lượng "hiệp sĩ" ở thành phố này đã có từ lâu, do quần chúng nhân dân tham gia tự nguyện thành lập.

Ông đánh giá thời gian qua Công an TP.HCM đã theo sát, phối hợp với lực lượng "hiệp sĩ" trong việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng trộm cướp.

Nhắc về sự việc 2 "hiệp sĩ" vây bắt các đối tượng trộm xe SH và bị đâm tử vong, đại tá Tạo cho rằng hành động xả thân, sẵn sàng hy sinh để góp phần đảm bảo trật tự, an ninh đường phố của các anh rất đáng trân trọng, nhiều người thấy biết ơn.

 Nguyên PGĐ Công an TP.HCM: Hiệp sĩ không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ - Ảnh 1.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.

Ông Tạo đánh giá hành động của họ rất anh dũng, xả thân vì nghĩa hiệp, tuy nhiên khi "lâm trận" các "hiệp sĩ" lại không được ai bảo vệ. Họ phải tự xử lý các tình huống gặp phải, trong khi tội phạm ngày càng nguy hiểm, hung hãn, sẵn sàng chống trả quyết liệt, thậm chí tước đi mạng sống người vây bắt chúng.

Nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trước đây, khi đội SCB (săn bắt cướp) của Công an TP còn hoạt động, mỗi lần tuần tra, cán bộ chiến sĩ đều mặc áo giáp, có phương tiện, công cụ hỗ trợ.

Với các "hiệp sĩ", do hoạt động tự nguyện, chưa có tổ chức rõ ràng nên chưa được trang bị công cụ nào, chế độ, chính sách cũng chưa có gì. Họ hầu hết dùng tay không bắt cướp.

Qua vụ việc này, ông Tạo đề nghị các đơn vị chức năng xem xét, có biện pháp hỗ trợ thích hợp nhằm bảo vệ mạng sống cho các "hiệp sĩ" khi tham gia vây bắt tội phạm.

Các "hiệp sĩ" dù có võ thuật, sức khỏe, lòng nhiệt thành song chỉ dùng tay không bắt cướp có vũ khí thì khả năng bị thương, thiệt mạng như vụ việc vừa qua là điều đã được báo trước - Đại tá Tạo nhìn nhận và mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp bảo vệ các "hiệp sĩ".

Về đề xuất trang bị áo giáp, công cụ hỗ trợ cho các nhóm "hiệp sĩ", ông Tạo cho rằng khó có thể thực hiện.

Theo vị đại tá, trong Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua, các nhóm "hiệp sĩ" không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ - hiện chưa có cơ sở pháp lý cho việc này.

Áo giáo có thể rà soát cấp cho các nhóm "hiệp sĩ", nhưng với công cụ hỗ trợ không đơn giản. Nếu công cụ hỗ trợ chẳng may rơi vào tay người xấu, sử dụng sai mục đích hay bị lạm dụng sẽ gây hậu quả khó lường - ông Tạo nêu quan điểm.

Nên sớm lập lực lượng phản ứng nhanh ở TP.HCM

Đại tá Trần Văn Tạo đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, thực hiện các chính sách phù hợp, kể cả công nhận liệt sĩ, truy tặng danh hiệu cho các "hiệp sĩ" vừa thiệt mạng do bị cướp sát hại.

 Nguyên PGĐ Công an TP.HCM: Hiệp sĩ không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thăm "hiệp sĩ" bị thương trong bệnh viện.

Nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng Hà Nội đã lập các lực lượng cảnh sát 141, 142 - chuyên phản ứng nhanh nhạy với vấn đề an ninh, trật tự nóng, song TP.HCM chưa thành lập được. Tuy nhiên, ông nói TP hiện vẫn có những đội cảnh sát đặc nhiệm của công an hoạt động trên khắp các địa bàn.

Về việc thành lập các tổ, lực lượng phản ứng nhanh, ông Tạo nói phải dựa theo nhu cầu và thực tế của tình hình an ninh trật tự địa phương.

TP.HCM hiện nay nhu cầu đã có, cần thiết - đại tá Tạo nhấn mạnh và mong muốn Bộ Công an nên tổng kết mô hình 141, 142 ở Hà Nội để triển khai ở các thành phố lớn như TP.HCM.


ĐBQH: TP.HCM cần lực lượng phản ứng nhanh

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM), các nhóm "hiệp sĩ" được thành lập trên cơ sở tự nguyện, do đó địa vị pháp lý của họ không hoàn chỉnh, các chế độ, chính sách không có.

Ông kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, có chính sách phù hợp để quản lý lực lượng, cũng như hỗ trợ khi xảy ra các sự việc.

ĐBQH Nguyễn Đức Sáu kiến nghị với tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM hiện nay, địa phương cần thành lập các tổ, lực lượng phản ứng nhanh và nên sớm thực hiện.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên